Chứng khoán vào chu kỳ đột phá?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã tăng điểm rất mạnh từ đầu năm tới nay, tạo ra nhiều kịch bản bất ngờ, thú vị. Thị trường Việt Nam đã tăng trưởng tốt nhất Đông Nam Á, khi nhà đầu tư hứng khởi với quyết định nới room khối ngoại có hiệu lực vào đầu tháng 9 tới. Cổ phiếu kín room, cổ phiếu bluechips được nhà đầu tư mua vào mạnh, nắm giữ để bán cho khối ngoại. Vì vậy, thị trường đã tăng điểm đầy bất ngờ.

TTCK Việt Nam đã tăng điểm rất mạnh từ đầu năm tới nay. Nguồn: internet
TTCK Việt Nam đã tăng điểm rất mạnh từ đầu năm tới nay. Nguồn: internet

Tính từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã có nhịp sóng tăng khá mạnh với mức tăng 15% và HNX-Index cũng tăng xấp xỉ 5%. Chỉ riêng chuyện nới room mới được công bố, nhà đầu tư đã kéo thị trường tăng rất mạnh. Trong quý II, khối ngoại mua ròng 135 triệu USD cổ phiếu Việt Nam, cao nhất kể từ năm 2007.

Tín hiệu tích cực

Theo các chuyên gia nước ngoài, kinh tế Việt Nam cũng tăng trưởng rất tích cực với tốc độ rất nhanh sau khủng hoảng. Chính phủ kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành công xưởng của các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Samsung Electronics và Microsoft.

Cổ phiếu Việt Nam được định giá rất hấp dẫn khi giá còn rất rẻ. "Nhà đầu tư nước ngoài nhận ra rằng thị trường này vẫn rất rẻ và nền kinh tế đang phát triển tốt. Việc mở room cho khối ngoại giúp thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào thời kỳ đỉnh điểm của đột phá", ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư PXP Asset Management tại Tp.HCM nhận định.

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn còn hạn chế như quy mô nhỏ, thanh khoản thấp. Vốn hóa thị trường mới chỉ bằng 1/8 quy mô thị trường chứng khoán Thái Lan và bằng 1/6 của Indonesia. Điều này khiến TTCK Việt Nam dễ tổn thương hơn trước tình trạng đầu cơ. Hơn nữa, nhà đầu tư nước ngoài mới tập trung vào các cổ phiếu doanh nghiệp hàng đầu, mà chưa quan tâm nhiều đến cổ phiếu của hàng trăm doanh nghiệp nhỏ khác.

Việc thị trường tăng mạnh, nhưng không phải cổ phiếu nào cũng được hưởng lợi. Dòng tiền chỉ đổ vào những cổ phiếu tốt, chất lượng chứ không còn "lao đầu" vào những cổ phiếu nóng, tăng vốn ồ ạt như trước đây. Đà tăng chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm… từng ít được kỳ vọng, nhưng đem đến rất nhiều hứng khởi cho nhà đầu tư.

Trong vài năm gần đây, ngân hàng không phải là nhóm cổ phiếu nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường khi tỏ ra khá "nặng", vốn hóa lớn, khối lượng cổ phiếu nhiều. Hơn nữa, vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, mua bán, sáp nhập, nợ xấu, tăng trưởng tín dụng thấp khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng đứng lặng trong nhiều năm qua.

Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu ngân hàng bất ngờ tạo sóng. Với mức tăng trưởng vượt trội thị trường, cổ phiếu VCB đã tăng 65%, BID tăng hơn 100%… Thời gian qua, rất nhiều ngân hàng giảm lợi nhuận, lao đao, nhưng VCB vẫn tăng trưởng dù lợi nhuận không cao. 6 tháng đầu năm nay, VCB đã đạt lợi nhuận trước thuế 3.400 tỷ đồng.

Thông tin đặc biệt về cổ phiếu VCB là Ngân hàng Vietcombank sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên 4,5 tỷ USD vào 2020. VCB sẽ lấy nguồn từ phát hành riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài, từ nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu, từ nguồn phần từ M&A.

Năm 2015, VCB sẽ tiến hành bán vốn cho cổ đông nước ngoài để giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước từ 77% xuống còn 70% và tiếp tục giảm xuống mức 65% trong thời gian tới. Đây là những yếu tố hấp dẫn khiến giá cổ phiếu VCB tăng mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, sóng tăng ngân hàng được tạo nên bởi sự kỳ vọng vào "sóng M&A" giữa các ngân hàng sẽ giúp tạo nên sự đột biến về quy mô và tầm ảnh hưởng. Điều đó chứng tỏ các ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn nhất và khi kinh tế phục hồi sẽ giúp lợi nhuận ngành ngân hàng cải thiện. Thời gian qua, khối ngoại khi họ liên tục mua ròng cổ phiếu ngân hàng, tạo đà tăng trưởng mạnh.

Luân phiên tăng trưởng?

Một số nhóm cổ phiếu khác như ô tô đã có xu hướng tăng điểm bùng nổ mạnh quý II vừa qua. Đặc biệt, hàng loạt cổ phiếu thuộc phân khúc phân phối xe tải như TMT, HHS, HTL… đã có giai đoạn bứt phá khá mạnh. Chính sách siết tải trọng cùng với hiệp định thương mại Asean-Trung Quốc, giúp các doanh nghiệp phân phối xe tải tăng trưởng mạnh.

Sau hai nhóm ngân hàng, ô tô, cổ phiếu bảo hiểm đã tăng trưởng rất ấn tượng. Các công ty bảo hiểm sẽ được "nới room" lên 100% đã giúp nhóm cổ phiếu này bứt phá mạnh. Tính từ đầu tháng 7 tới nay, cổ phiếu bảo hiểm như BVH, BIC đều tăng trên 50%, thấp nhất là PTI cũng tăng đến 25%.

Vào đầu năm 2015, thị trường bất động sản dần ấm trở lại, chính sách hỗ trợ tốt, nhiều nhà đầu tư đánh giá nhóm cổ phiếu này sẽ tăng mạnh. Đặc biệt là việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, thông tư 36 giảm tỷ lệ rủi ro cho vay BĐS từ 250% xuống 150%, lãi suất cho vay giảm... giúp khơi thông dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản.

Với những yếu tố đó, cổ phiếu bất động sản và ngành liên quan như xây dựng được nhiều chuyên gia và giới đầu tư kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2015. Tuy vậy, diễn biến thực tế đang cho thấy điều ngược lại khi đa phần cổ phiếu ngành BĐS, xây dựng tăng trưởng không đáng kể hoặc sụt giảm mạnh. Chỉ một số ít bứt phá lên như DXG, NDN, HBC, CTD…

Cổ phiếu chứng khoán cũng được kỳ vọng bứt phá khi nới room, nhưng chỉ có vài cổ phiếu tăng trưởng như HCM, SSI, VND… và cũng không ấn tượng lắm. Việc thị trường sụt giảm mạnh, thanh khoản sụt giảm khiến nhóm cổ phiếu này không thể thăng hoa. Tuy nhiêu, thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ được chú ý và kỳ vọng diễn biến tích cực hơn.