Chứng khoán Việt Nam: Ngược dòng mùa COVID-19
Tính trong 1 tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lọt top các chỉ số tăng trưởng tốt nhất trên thế giới.
Tăng trưởng tích cực so với các thị trường trong khu vực
Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 9/2020, VN-Index đã tăng 0,14% đạt mức 905,21 điểm. Nếu xét riêng tháng này, tổng mức tăng chỉ số chuẩn đạt 2,42%, qua đó đưa VN-Index lọt danh sách các thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới trong 1 tháng vừa qua.
Dữ liệu trên StockQ tính đến ngày 29/9, tỷ suất một tháng của thị trường Việt Nam xếp thứ 5 toàn cầu sau Mông Cổ, Đan Mạch, Thụy Điển, Nikkei 225 (Nhật Bản).
Ở một thông số khác, VN-Index riêng quý III/2020 tăng 7,46%, tuy nhiên chỉ số giảm 6,36% so với thời điểm từ đầu năm 2020. Dù vậy, đây là lần đầu tiên VN-Index trụ vững ở mốc 900 điểm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 3/2020 gây ra tâm lý hoảng loạn trên thị trường chứng khoán.
Đây cũng là tháng thứ 2 thị trường tăng điểm liên tục. Trước đó, VN-Index đã có thời điểm chạm mốc 900 này, nhưng áp lực giảm từ diễn biến chứng khoán thế giới, sự quay lại lần thứ hai của dịch bệnh, hay sức hấp dẫn của các kênh đầu tư tài sản khác như vàng đã kéo thị trường trượt dài trong tháng 6 và 7.
So với các thị trường trong khu vực, lũy kế đến cuối tháng 7/2020 cho thấy, hiệu suất của VN-Index so với đầu năm vẫn đang diễn biến tốt hơn hầu hết so với khu vực Đông Nam Á (đứng thứ 2 sau Malaysia), và kém hơn so với các nước khu vực Châu Á khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc).
Về thanh khoản, tính riêng tháng 9/2020, dữ liệu cho thấy tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 116.755 tỷ đồng, qua đó tiếp tục tăng trưởng tháng thứ ba liên tiếp.
Xét về giao dịch của các khối ngoại, nhóm này trong tháng 9/2020 lại ở vị thế mua ròng 1.275 tỷ đồng, trái ngược với 2 tháng trước. Đặc biệt, riêng hôm 10/9, các nhà đầu tư nước ngoài chi 5.420 tỷ đồng để mua hơn 78,5 triệu cổ phiếu Vinhomes. Cùng đó, dòng vốn ngoại chảy vào quỹ ETF tiếp tục duy trì tích cực, đặc biệt là sự xuất hiện của Quỹ CTBC Investments từ Đài Loan.
Thậm chí, kể cả khi loại bỏ phiên mua thỏa thuận đột biến cùng các giao dịch mua vào chứng chỉ quỹ ETF, xu thế chủ đạo của khối ngoại vẫn là bán ròng. Nhiều ý kiến nhận định, nguồn tiền của nhà đầu tư nội, đặc biệt là các cá nhân, đã giúp thị trường tăng điểm, bất chấp thời điểm nhiều sàn chứng khoán thế giới đảo chiều trước áp lực chốt lời.
Trợ lực của VN-Index
Đà tăng trưởng của chỉ số chuẩn trong quý III/2020 thêm phần ý nghĩa, khi đây là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Với diễn biến các trường hợp mới nhiễm COVID-19 giảm trong thời gian gần đây, Việt Nam tiếp tục vượt qua được đại dịch. Cho đến sáng 1/10, đã có 1 ca nhiễm là chuyên gia Nga nhập cảnh cách ly ngay. Số ca nhiễm lên 1.095, số người khỏi 1.010, số tử vong 35. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã trở thành điểm tựa lớn cho thị trường chứng khoán Việt.
Một tác động khác hỗ trợ xu hướng tăng điểm cho VN-Index là tiền rẻ. Thống kê của Bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán SSI cho thấy, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 1-2,5 điểm phần trăm từ đầu năm đến nay ở hầu hết các ngân hàng thương mại. Nguyên nhân là nhu cầu tín dụng yếu khi tính đến 16/9, tín dụng chỉ tăng trưởng 4.81% so với đầu năm, tương đương khoảng 8.9% so với cùng kỳ 2019 và còn cách rất xa mục tiêu ban đầu của Ngân hàng Nhà nước là 14% trong năm 2020; ngoài ra, ngay cả với các lĩnh vực ưu tiên (như doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp, xuất khẩu), tăng trưởng tín dụng cũng chỉ ở mức 3-4%. Đây là lý do chính khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa khiến lãi suất tiền gửi giảm mạnh.
Trong bối cảnh này, thị trường chứng khoán đang trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản, bởi yêu cầu vốn thấp và tính thanh khoản cao. Có thể thấy, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng đẩy mạnh đầu tư cổ phiếu, bất chấp các số liệu kinh tế vĩ mô không thực sự khả quan. Số lượng tài khoản môi giới mở mới trong tháng 8 tăng 4,8% so với tháng 7 (lên 28.300 tài khoản), cao hơn mức bình quân của năm 2019 (15.000 - 20.000 tài khoản mỗi tháng). Ngoài ra, dư nợ cho vay ký quỹ tăng mạnh kể từ cuối tháng 7 cho thấy sự “hào hứng” của các nhà đầu tư hiện tại trên thị trường (ước tính sơ bộ của chúng tôi ghi nhận cho vay ký quỹ vào cuối tháng 8 đã tăng 40% so với tháng 6).
Một trợ lực khác tác động tích cực tới VN-Index là nhóm cổ phiếu nhà băng. Điều này có phần dễ hiểu khi thống kê của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho thấy, ngành ngân hàng là trụ cột chính đóng góp vào mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2020. Tỷ trọng trong cơ cấu lợi nhuận sau thuế của nhóm này tăng từ mức 28,5% cùng kỳ năm 2019 lên 41,2%.
Trong quý II/2020, BSC ghi nhận đã ghi nhận thu nhập hoạt động ròng một số ngân hàng đạt 75,575 tỷ đồng (tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận trước thuế là 31,493 tỷ đồng (tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Kết quả khả quan trọng quý II/2020 được hỗ trợ từ việc các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động (giảm 7,4% so với cùng kỳ giúp tỷ lệ chi phí trên thu nhập giảm xuống mức 36% trong khi quý II/2019 ở mức 40%) và giảm áp lực trích lập dự phòng (-9,7% so với cùng kỳ).
Năm nay, Chính phủ cũng đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang. Theo đó, Quốc hội đã có quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công của 3 dự án thành phần (Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây) và bổ sung vốn đầu tư không quá 23,461 tỷ đồng, trong khi đó các dự án còn lại sẽ tiếp tục thực hiện theo phương án cũ. BSC đánh giá, 3 dự án kể trên và một loạt các dự án khác sẽ là động lực chính hỗ trợ cho các nhóm ngành vật liệu xây dựng (Thép – Xi măng – Nhựa đường), ngành xây dựng và một số ngành được hưởng lợi gián tiếp từ hạ tầng được triển khai như Bất Động Sản và Khu Công nghiệp.
Ngoài ra, BSC đánh giá, các doanh nghiệp viễn thông, kinh doanh dịch vụ viễn thông cố định được hưởng lợi nhờ lệnh giãn cách xã hội trong 6 tháng đầu năm 2020 và sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong 6 tháng cuối năm. Việc giãn cách, cách ly xã hội khiến doanh thu sản phẩm cố định tăng trưởng tốt trong khi doanh thu sản phẩm di động giảm do nhu cầu liên lạc giảm (do người dân hạn chế đi lại và chủ yếu ở nhà). Đơn cử, FPT cho thấy kết quả kinh doanh mảng Viễn thông quý II/2020 tăng trưởng mạnh: doanh thu tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế tăng 27%.
Cùng với đó, yếu tố EVFTA được đánh giá sẽ tác động tích cực nhiều nhóm ngành trong dài hạn, như: Cảng biển, Thủy sản, Dệt may, Vận tải biển.
Nhìn về giai đoạn còn lại của năm 2020, bên cạnh các yếu tố kể trên, BSC cho rằng, một số vấn đề ngoại sinh khác cần lưu tâm như tốc độ hồi phục của những nền kinh tế chủ chốt, hay căng thẳng Mỹ - Trung vẫn tiếp tục cần được theo dõi. BSC cũng đánh giá, thị trường chứng khoán đang ở mức tương đối hấp dẫn trong điều kiện dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt đến cuối năm 2020.