Chuỗi cung ứng an toàn – đòn bẩy cho nông sản Việt

Theo ncseif.gov.vn

(Tài chính) Nông sản sạch, có chứng nhận đang thiếu kênh tiêu thụ riêng để bán được giá cao hơn.

Chuỗi cung ứng an toàn – đòn bẩy cho nông sản Việt
Nông sản sạch, có chứng nhận đang thiếu kênh tiêu thụ riêng. Nguồn: internet
Thiếu kênh tiêu thụ cho nông sản sạch

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), người tiêu dùng đang trong cơn “khủng hoảng” niềm tin về chất lượng nông sản, thực phẩm. Dù kết quả giám sát cho thấy phần lớn nông sản trên thị trường là an toàn, tỉ lệ vi phạm thấp (5%-7% mẫu rau vượt ngưỡng thuốc bảo vệ thực vật, 2% mẫu thịt vượt ngưỡng kháng sinh) nhưng người tiêu dùng đang hình dung là các sản phẩm mất an toàn cao hơn con số mà cơ quan chức năng công bố.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, dẫn chứng hiện Việt Nam có 147 loại rau quả đang xuất khẩu đi châu Âu - nơi có tiêu chuẩn về thực phẩm khắt khe - với sản lượng 150.000 tấn/năm và được họ phân vùng màu xanh trên bản đồ, tức là bảo đảm an toàn. “Mỗi năm, chúng ta xuất khẩu đến 2 triệu tấn rau quả các loại, gấp 5 lần lượng nhập khẩu. Nhưng vấn đề là làm sao để người dân trong nước tin vào chất lượng nông sản của mình” - ông Hồng đặt vấn đề.

Trong vòng 4-5 năm trở lại đây, do không đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thiếu chú trọng phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp và bảo vệ thương hiệu nông sản, nhiều loại sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có chất lượng cao khó tiêu thụ ngay tại sân nhà. Và hệ quả là cả người nông dân sản xuất cũng như người tiêu dùng đều phải chịu thiệt thòi.

Thực tế cho thấy, từ năm 2008 đến nay, với việc ban hành chính thức hệ thống tiêu chuẩn VietGAP, chương trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn này đã phát triển mạnh trong cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đến thời điểm hiện nay, cả nước đã có hàng ngàn cơ sở sản xuất nông hộ và hợp tác xã xây dựng thành công mô hình VietGAP, GlobalGAP đối với các sản phẩm cây ăn quả, rau màu và thủy sản. Tuy nhiên, suốt 5 năm qua, chúng ta vẫn chưa ban hành được nhãn chung cho các loại nông sản đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Vì thế sản phẩm đã đạt VietGAP gần như bị đánh đồng về chất lượng và độ an toàn so với sản phẩm nông sản không được sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch.

Khi không có nhãn chung cho các sản phẩm VietGAP, GlobalGAP thì giá trị thương hiệu nông sản không được tính vào giá bán sản phẩm. Vì vậy, các sản phẩm nông sản đặc sản của các địa phương như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Thanh Hà, bánh tráng Phú Hòa Đông… dễ dàng bị các loại sản phẩm cùng loại khác “đội lốt” và “ăn cắp” thương hiệu. Điều này khiến cho uy tín của thương hiệu nông sản bị ảnh hưởng xấu. Người tiêu dùng mất tiền oan vì mua phải đồ rởm, trong khi những nhà vườn sản xuất ra các sản phẩm nông sản chất lượng gần như bất lực trong việc đưa sản phẩm thật của mình vào thị trường.

Điều đáng nói là, việc này chỉ xảy ra ở thị trường nội địa. Bởi cũng trong 3-4 năm trở lại đây, nhiều sản phẩm trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu ra các thị trường quốc tế với giá trị gần 1 tỷ USD/năm. Để bán các loại sản phẩm trái cây sang các thị trường kỹ tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, New Zealand… các DN đã phải tuân thủ chặt chẽ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế...

Thực tế này tạo ra một nghịch lý rất vô lý là trong khi tại Mỹ và Nhật người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được các loại trái cây đặc sản chính hiệu “Made in Vietnam” với những thông số rất rõ ràng về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, chủng loại, kích cỡ, thì ngay tại TP. Hồ Chí Minh, người tiêu dùng Việt Nam không thể phân biệt được đâu là thanh long Chợ Gạo, đâu là dâu tây Đà Lạt…

Sự nhập nhèm về thương hiệu, còn tạo nên một hệ lụy nguy hiểm khác là nông sản Việt bị choán chỗ bởi nông sản ngoại. Các loại trái cây và nông sản của Thái Lan, Mỹ chiếm lĩnh một thị phần quan trọng tại các chợ và siêu thị. Giá bán các loại nông sản này cao hơn nhiều lần so với các sản phẩm cùng loại trong nước. Điều này tạo tiền đề cho việc “hô biến” nhiều loại sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thành sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ và Thái Lan...

Cú hích cho nông sản Việt

Ông Tiệp cho biết một sản phẩm muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, điều cốt yếu là phải nâng cao chất lượng. Do đó, hướng phát triển bền vững cho các mặt hàng nông sản Việt Nam chính là đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm (ATTP) trong từng công đoạn, liên kết tạo thành một chuỗi thực phẩm an toàn.
 
Cung ứng chuỗi ATTP không phải là mới. Trong thực tiễn, đã có nhiều mô hình được triển khai bằng nguồn tài trợ quốc tế và ngân sách Nhà nước nhưng vẫn còn đơn lẻ, chưa được nhân rộng với quy mô lớn.
 
Liên quan tới vấn đề này, Bà Cao Minh Huệ - Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: Riêng đối với mặt hàng rau, tính đến năm 2012, cả nước có khoảng 31.600 ha sản xuất rau an toàn (RAT), chiếm 26,3% tổng diện tích trồng rau chuyên canh. Điều đáng nói là, thực trạng  sơ chế, bảo quản RAT vẫn mang tính thủ công với phương tiện vận chuyển còn thiếu, lạc hậu, tỷ lệ tổn thất cao (khoảng 25-30%).
 
Hầu như không có nhà xưởng riêng dành cho sơ chế, xử lý, bao gói và bảo quản rau tươi, thiếu dụng cụ chứa sản phẩm bảo đảm chắc chắn và hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, người lao động thiếu kiến thức về công nghệ bảo quản và vệ sinh ATTP. Đa số người trồng rau vẫn tự tìm nơi tiêu thụ, RAT được bán tại rất ít các điểm chuyên kinh doanh RAT. Trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ có khoảng 60 cửa hàng, 35 siêu thị, 72 điểm phân phối RAT ở các khu dân cư.
 
Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý chất lượng 2 (Nafiqad): Việc nhiều mô hình sản xuất sản phẩm nông sản theo chuỗi  ATTP còn đơn lẻ, chưa được nhân rộng xuất phát từ nhiều nguyên do. Đó là, lợi ích về sản xuất sản phẩm an toàn chưa rõ ràng, chưa tạo động lực cho nhà sản xuất. Cơ chế chính sách cho sản xuất nông sản thực phẩm để tạo động lực phát triển còn hạn chế.
 
Nhiều trường hợp vi phạm, sản xuất thực phẩm bẩn chưa bị xử phạt nghiêm, thông tin vi phạm chưa được công khai khiến cho tính răn đe các cơ sở sai phạm còn yếu. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, chi tiền cho sản xuất nông nghiệp mang nhiều rủi ro, chi phí lớn, quay vòng vốn chậm nên không mấy mặn mà. “Đặc biệt là tình trạng các hộ sản xuất nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế.
 
Thiếu liên kết hoặc liên kết chưa bền vững giữa các nhà sản xuất với phân phối và tiêu thụ. Cùng với đó là sự khác biệt giữa các dấu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết giữa sản phẩm đã được kiểm soát và sản phẩm chưa được kiểm soát còn chưa nhiều”, ông Thuận nhấn mạnh.

Mới đây, TP HCM triển khai thí điểm đề án quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” từ gốc đến ngọn (nuôi trồng đến tiêu thụ) để người dân có thể yên tâm hơn trong tiêu dùng và có thể truy xuất được nguồn gốc.

Theo đề án này, TP HCM phối hợp với các tỉnh xây dựng các chuỗi rau muống hạt, dưa leo, khổ qua, bắp cải, cà rốt, cà chua (nhóm rau củ quả); trứng, thịt gia cầm, thịt heo (nhóm vật nuôi) và cá viên, cá điêu hồng, tôm thẻ chân trắng (chuỗi thủy sản) từ các trại, nhà vườn đạt chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) hoặc chứng nhận tương đương vào các cơ sở sơ chế, đóng gói, giết mổ đạt chuẩn, sau đó ký kết tiêu thụ tại những nơi bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Các sản phẩm này khi ra thị trường đều có dán logo để người tiêu dùng nhận diện. Đây là một kênh tiêu thụ riêng giúp nông sản “sạch từ trang trại đến bàn ăn” và hỗ trợ những người nuôi trồng đi tiên phong.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, để khích lệ những người nuôi trồng nông sản sạch, tạo cơ hội cho họ bán được giá cao, TP HCM nên xem xét mở một chợ chuyên kinh doanh nông sản chất lượng cao, còn hiện nay cả 3 chợ đầu mối của TP HCM, nông sản nào cũng vào được.

“Muốn vào được chợ này bán, người bán phải có chứng nhận như VietGAP, ngay tại chợ có phòng thí nghiệm để lấy mẫu test nhanh, nếu phát hiện dương tính sẽ chuyển sang kiểm tra định lượng, tạm dừng lưu thông lô hàng, nếu vi phạm sẽ tiêu hủy toàn bộ và có biện pháp “cấm cửa” về sau” - ông Hồng đề xuất. Theo ông Hồng, khi có khu chuyên doanh nông sản chất lượng cao thì người tiêu dùng cần cứ đến đây mua sẽ yên tâm, từ đó nhân rộng ra các chợ khác.

Ở góc độ người sản xuất, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, Tiến sĩ Võ Mai nhấn mạnh việc áp dụng các quy chuẩn như VietGAP, GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) là để kiểm soát được an toàn thực phẩm nên nhất định phải làm. Sở dĩ những mô hình đầu tiên thực hiện gặp khó khăn là do chuỗi cung ứng nông sản của Việt Nam quá kém, toàn phải qua thương lái. Trong khi đó doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhưng không liên kết chặt với nông dân, HTX để kiểm soát quá trình trồng là do họ chưa thấy cần thiết vì vẫn bán được hàng, nhất là xuất đi Trung Quốc. "Thời gian tới, sản xuất phải thay đổi, nếu không sẽ mất thị trường như trường hợp một số mặt  hàng xuất đi châu Âu vừa qua” - Tiến sĩ Mai nói.

Cần có chính sách ưu đãi

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, sắp tới, nông nghiệp sẽ đi theo hướng đã sản xuất là phải an toàn, VietGAP sẽ được áp dụng rộng rãi. Hiện Chính phủ đã có Quyết định 01/2012 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng VietGAP, bộ sẽ rà soát để ban hành thông tư áp dụng.

Ngoài ra, hiện nay, Bộ NN-PTNT đang triển khai Quyết định 62/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn nhưng chỉ mới áp dụng đối với lúa gạo, sắp tới sẽ mở rộng đối với rau quả, nông sản khác để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi thực phẩm an toàn.

Theo ông Tiệp, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, kinh doanh có nguồn vốn vay ổn định, kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi; xây dựng mối liên kết giữa khu vực sản xuất và khu vực phân phối, bán lẻ trong các chuỗi. “Cần thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội nghị trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm. Xây dựng sàn giao dịch mua bán sản phẩm từ mô hình chuỗi, giới thiệu mạng lưới đặt hàng giao dịch mua bán, địa chỉ bán sản phẩm để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, lựa chọn sản phẩm”, ông Tiệp nói.