Chuyển đổi số ngành bất động sản: Cần nhanh chóng lên “con tàu 4.0“

Theo Thanh An/reatimes.vn

Giới chuyên gia cho rằng, tốc độ chuyển đổi số là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp BĐS. Nếu doanh nghiệp chậm chuyển đổi, nguy cơ bị đào thải trong thời đại công nghệ 4.0 là rất lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chuyển đổi số trong bất động sản là xu thế không thể đảo ngược

Nhận định về thực tiễn chuyển đổi số ngành bất động sản, xây dựng, PGS. TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT từng khẳng định: "Chuyển đổi số hiện nay không phải sự lựa chọn mà là điều tất yếu. Bởi chúng ta đã bước vào kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, chấm dứt thời kỳ "cá lớn nuốt cá bé", và chuyển sang "cá nhanh ăn cá chậm". Đối với ngành bất động sản, xây dựng của Việt Nam, việc chuyển đổi số sẽ đem lại lợi ích khổng lồ".

Là một xu thế không thể đảo ngược, tuy nhiên ở nước ta, bất động sản - ngành từ trước đến nay được xem là mang tính truyền thống, thường chậm chạp trong việc áp dụng các công nghệ chuyển đổi số mới. 

Một phần nguyên nhân được cho là bởi với hệ thống thủ tục và pháp lý phức tạp, bất động sản vẫn được đánh giá là loại tài sản có tính thanh khoản không cao; việc bán hay cho thuê nhà, đất… thường mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, rủi ro của ngành bất động sản từ lâu đã là một trong những rủi ro lớn nhất có thể xảy ra của nền kinh tế, khi các dòng chảy về tài chính đều liên quan tới định chế ngân hàng và việc huy động nguồn vốn lớn từ công chúng (cổ phiếu, trái phiếu).

Phải đến khi dịch Covid-19 xuất hiện, thói quen tìm hiểu và mua bán bất động sản của đại bộ phận khách hàng mới có nhiều thay đổi, mang đến cơ hội “vàng” cho việc thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực bất động sản. Giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài suốt gần hai năm khiến việc đi lại thường nhật cũng trở nên khó khăn, phần lớn hoạt động cuộc sống thường ngày dịch chuyển lên các nền tảng trực tuyến, đồng thời khiến lượng dữ liệu số gia tăng đáng kể. Khi ấy, công nghệ là giải pháp tối ưu giải quyết bài toán “tiếp cận trực tiếp, tiếp xúc gián tiếp” cho doanh nghiệp bất động sản và khách hàng.

Với sự hỗ trợ của tiến bộ khoa học công nghệ như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý dữ liệu lớn, blockchain… quá trình chuyển đổi số sẽ giúp chuyển dịch toàn bộ cách thức hình thành tài sản và giao dịch của thị trường trở nên hiệu quả và minh bạch hơn. Việc tiếp cận các nguồn vốn cũng sẽ trở nên dễ dàng, đa dạng, đồng thời rủi ro hệ thống được phân tán hơn.

Chưa kể, Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ, sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi cho công nghệ bất động sản hình thành và phát triển, vì vậy, việc áp dụng các công nghệ hiện đại để chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản sẽ càng trở nên dễ dàng.

Với hơn 64 triệu người dùng Internet, chiếm 66% dân số, xu hướng sử dụng các thiết bị điện tử để thực hiện giao dịch tại Việt Nam ngày càng phổ biến. Đặc biệt, nhu cầu sở hữu nhà ở tại nước ta đang tăng nhanh qua mỗi năm, trong đó dân số trẻ chiếm số lượng lớn. Vì vậy mà tư duy cũng như cách tiếp cận để mua bán nhà so với trước đây cũng trở nên thoáng và đa dạng hơn. Thay vì chỉ áp dụng các phương pháp mua, bán truyền thống, các bạn trẻ đã chủ động tìm đến những phương pháp hiện đại thông qua các ứng dụng công nghệ thông minh.

Với tất cả những yếu tố này, giới chuyên gia đánh giá thời gian tới, xu hướng chuyển đổi số sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong quá trình phát triển bất động sản tại Việt Nam, được xem là tương lai, mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành bất động sản. Đặc biệt, khi sự ra đời của công nghệ bất động sản giúp giải quyết được nhiều vấn đề, hỗ trợ không chỉ cộng đồng khách hàng mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp thì công nghệ bất động sản hứa hẹn sẽ nhanh chóng “cất cánh”, phát triển không thua kém công nghệ trong các lĩnh vực khác. 

Khó có chỗ đứng cho doanh nghiệp chậm chân

Theo xu hướng toàn cầu, công nghệ bất động sản có thể được ứng dụng để giải quyết 3 bài toán chính là tiếp cận thông tin; hỗ trợ giao dịch an toàn cho người dùng cuối; cũng như quản lý và tối ưu hóa tài sản.

Thực tế hiện nay, không ít các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản Việt Nam đã và đang ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Với sự phát triển của công nghệ, khách hàng ngày nay ưa chuộng sử dụng các ứng dụng trong việc nghiên cứu, tìm kiếm thông tin và thực hiện giao dịch bất động sản. Việc áp dụng công nghệ là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận những khách hàng có nhu cầu ở thật, tăng tính cạnh tranh và khẳng định tiềm lực của doanh nghiệp. Ngoài ra, giao dịch bằng hình thức trực tuyến sẽ tạo điều kiện để các thông tin trên thị trường trở nên minh bạch hơn, khách hàng có thể nắm được đầy đủ thông tin mới nhất về pháp lý, tiến độ và thiết kế của dự án…

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ người dùng/khách hàng như công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) giúp người mua không phải tốn quá nhiều chi phí vẫn có thể tiếp cận với sản phẩm bất động sản và có đánh giá sơ bộ về dự án thì chuyển đổi số trong giao dịch bất động sản còn là những giải pháp hỗ trợ bên bán bằng dữ liệu lớn, giúp người bán tìm kiếm người mua, giới thiệu dự án bất động sản phù hợp. Có thể thấy, trên thị trường hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản lớn đang dẫn dắt sự chuyển dịch này.

Giờ đây, khách hàng không cần phải đến tận dự án mới có thể biết được những thông số kỹ thuật chi tiết mà các website hoàn toàn có thể giúp người dùng trải nghiệm không gian hoàn chỉnh trên chính máy tính chỉ với thao tác lăn chuột. Người dùng có thể xem chi tiết từng căn nhà với không gian 3D chân thực mà không vướng phải cản trở nào vì công nghệ thực tế ảo đến nay đã trở nên phổ biến và không quá đắt đỏ.

Đánh giá về vai trò của chuyển đổi số đối với sự phát triển của các doanh nghiệp bất động sản, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của tất cả các doanh nghiệp chứ không riêng gì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Tốc độ chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự thành bại của mỗi doanh nghiệp.

“Ứng dụng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian, giúp tương tác giữa các cá nhân, các bộ phận dễ dàng hơn mà không bị phụ thuộc vào không gian và thời gian.

Do đó, ứng dụng chuyển đổi số góp phần tinh gọn bộ máy của doanh nghiệp nhờ nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy và hệ thống quản trị. Các doanh nghiệp môi giới bất động sản ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động của mình giúp truyền tải hình ảnh, quảng bá sản phẩm và doanh nghiệp một cách rõ nét và hiệu quả”, ông Đính cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, ở Việt Nam hiện nay đã xuất hiện không ít đơn vị phát triển các ứng dụng công nghệ chuyển đổi số. Những nền tảng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến đang được thế giới sử dụng đều được các đơn vị này đưa vào ứng dụng. 

Tuy nhiên, lực lượng nhân sự công nghệ thông tin còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu lao động của các đơn vị phát triển ứng dụng. Bên cạnh đó, mặt bằng mức lương của đội ngũ IT ở Việt Nam khá cao so với mặt bằng chung của thế giới, điều này dẫn đến chi phí phát triển các ứng dụng công nghệ chuyển đổi số cao. Đây là những khó khăn chung trong việc áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản hiện nay. 

Vì vậy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khuyến nghị, chuyển đổi số là con đường tất yếu của mỗi doanh nghiệp nhưng đó là một quá trình và cần lưu tâm tới 4 yếu tố, đó là nhận thức từ lãnh đạo, có một lộ trình rõ ràng, có sự đánh giá khả năng và có quyết tâm thực hiện. 

Dưới góc độ doanh nghiệp chuyên phát triển các ứng dụng công nghệ bất động sản, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land cũng cho rằng, doanh nghiệp chậm chân trong công cuộc chuyển đổi số sẽ khó có chỗ đứng. 

"Chuyển đổi số trong ngắn hạn là một khoản đầu tư lớn để giúp doanh nghiệp tăng trưởng về hạ tầng, đòi hỏi phải được đầu tư đúng xu hướng. Trong dài hạn, chuyển đổi số giúp cho doanh nghiệp có được một môi trường nhận thức và tư duy kiểu mới, cách làm kiểu mới, làm cho doanh nghiệp đi nhanh và linh hoạt hơn, đem lại sản phẩm có giá trị cao hơn cho khách hàng, tối ưu được chi phí và gia tăng được doanh thu tối đa.

Thế nhưng khó nhất là đi sao cho đúng, bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư là chưa có tiền lệ, chỉ các doanh nghiệp có những nhà sáng lập am hiểu sâu sắc thị trường, am hiểu công nghệ, quản trị, vận hành, am hiểu tài chính, kinh doanh marketing… đa chiều, mới có thể chống đỡ được nhiều biến động của thế giới ngày nay", ông Chung nêu quan điểm.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng và thực thi chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số; nghiên cứu, tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin và tích hợp các kênh phân phối khác nhau; thay đổi mô thức tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số; tăng cường kết nối, hợp tác.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác kết nối giữa doanh nghiệp bất động sản với Proptech, Fintech; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro công nghệ thông tin; xây dựng, quản lý, khai thác và phân tích cơ sở dữ liệu…

“Doanh nghiệp bất động sản cần chủ động và nhanh chóng nắm bắt, có chiến lược chuyển đổi số. Con tàu 4.0 đang đi không chờ ai, ai lên tàu sớm sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh và vị thế mới…”, ông Lực khẳng định.