Chuyển đổi số trong quản lý thuế tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu chi phí cho người nộp thuế
Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, nâng cao tính minh bạch, giảm thiểu chi phí và thời gian cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong đó có ngành Thuế nói riêng cần xây dựng lộ trình chi tiết cho việc tái cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn; tăng cường hợp tác với các đơn vị công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước để ứng dụng các giải pháp tiên tiến nhất.
Đồng thời, cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trong ngành Thuế, đảm bảo đội ngũ cán bộ thuế có đủ năng lực triển khai và vận hành hệ thống mới; giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện, kịp thời điều chỉnh chiến lược khi cần thiết để đạt hiệu quả cao nhất.
Trước yêu cầu cấp bách của chuyển đổi số trong quản lý thuế trong bối cảnh chuyển động mạnh mẽ hiện nay, ngành Thuế cũng là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ của sự phát triển khoa học và công nghệ.
Chẳng hạn như trước sự phát triển mạnh mẽ của Trí tuệ nhân tạo (AI), công tác quản lý thuế cũng trở nên dễ dàng, chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Hiện nay, ngành Thuế đang mở rộng triển khai Chatbot AI phục vụ người nộp thuế hỏi đáp thông tin về thuế trên phạm vi toàn quốc. Việc áp dụng AI Chatbot và Voicebot sẽ giúp giải quyết tình trạng người nộp thuế gặp khó khăn khi tra cứu thông tin hoặc gửi câu hỏi qua cổng thông tin điện tử. Các hệ thống này có thể cung cấp phản hồi tức thời, hỗ trợ chính xác các thắc mắc về chính sách thuế, qua đó nâng cao trải nghiệm người dùng.
Vài năm gần đây, ngành Thuế cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu về văn bản chính sách pháp luật thuế và áp dụng AI trong việc cung cấp trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế, ứng dụng trợ lý ảo cho công chức thuế trong công tác quản lý nợ, giúp giảm nguồn lực của cơ quan thuế và nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ người nộp thuế. Tới đây, dự kiến ngành Thuế sẽ sử dụng công nghệ AI để phát hiện các giao dịch bất thường và các rủi ro của người nộp thuế để thông báo kịp thời cho người nộp thuế.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo “Tái cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế” do Cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức trong 2 ngày 27-28/3/2025, hệ thống công nghệ thông tin hiện tại của ngành Thuế dù đã có nhiều cải tiến và có sự vượt trội trong việc xây dựng và phát triển các ứng dụng quản lý thuế, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Đặc biệt, một số hệ thống quan trọng như: Quản lý thuế tập trung (TMS), Hệ thống phân tích rủi ro, Hệ thống thanh tra, kiểm tra thuế cần tiếp tục được đẩy nhanh tiến trình nâng cấp để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.
Để đáp ứng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý thuế, Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn khẳng định, tới đây ngành Thuế sẽ tiếp tục hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, trọng tâm là thể chế quản lý thuế đồng bộ, công khai, minh bạch, công bằng, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tự nguyện.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy cải cách hành chính. Qua đó, nâng cao trải nghiệm cho người nộp thuế thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin theo định hướng của Chính phủ về Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, đảm bảo tính liên thông, tích hợp dữ liệu và bảo mật cao.
"Cơ quan thuế có đủ năng lực quản lý thuế hiệu quả, hiệu lực; hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu xử lý, cung cấp thông tin cho quản lý thuế, công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan thuế và cung cấp dịch vụ điện tử, dịch vụ số cho người nộp thuế", Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn khẳng định.
Được biết, tính đến cuối tháng 2/2025, ngành Thuế đã triển khai 147 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, trong đó 122 thủ tục hành chính đã được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào một địa chỉ duy nhất, đăng nhập một tài khoản duy nhất để có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến về thuế và các dịch vụ công khác.