Chuyên gia cảnh báo "bẫy" đầu tư lợi nhuận cao

Minh Lâm

Với những lời mời gọi đầu tư chứng khoán, tiền số, hàng hóa… cùng cam kết thu về lợi nhuận “khủng”, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ để tránh bị “lừa đảo”, mất tiền.  

Tìm hiểu kỹ mô hình đầu tư

2024 là một năm thành công đối với diễn biến chung của chỉ số VN-Index. So với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, VN-Index tăng hơn 12%, nằm trong nhóm tăng trưởng cao trong năm 2024.

Mặc dù không quá cao như thị trường chứng khoán Mỹ hay Nhật Bản nhưng cao hơn rất nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Indonesia hay Hàn Quốc. Từ diễn biến trên có thể thấy, Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung trong khu vực.

Tuy nhiên, nhiều người không thấy “hài lòng” với lợi suất trên 12% nên dễ bị “dẫn dắt” vào những mô hình đầu tư, kinh doanh mang lại lợi nhuận hai chữ số hàng tuần, hàng tháng mà không được pháp luật bảo vệ.

Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), nếu có góc nhìn sắc sảo về mặt tài chính, trước khi có quyết định giải ngân, nhà đầu tư nên tìm hiểu mô hình kinh doanh đó là gì mà có thể tạo ra lợi nhuận tài chính hàng chục phần trăm mỗi tháng và hàng trăm phần trăm một năm? Trên toàn cầu đã có ai làm hay chưa? Làm như thế nào để đạt lợi nhuận đó?

Nếu trên thế giới không có công ty hợp pháp nào thì chắc chắn đây là mô hình lừa đảo, lấy của người trước trả cho người sau. Với mô hình như trên, họ thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người muốn đầu tư.

“Chỉ có những công ty có sáng chế, sáng tạo tuyệt vời nhất trên thế giới mới có mức tăng trưởng hàng năm trên 50%. Nhìn câu chuyện của Nvidia, với sản phẩm chip bán dẫn tốt nhất thế giới, thì mới đạt được mức tăng trưởng đáng ước mơ như vậy”, ông Sơn chia sẻ.

Trong năm 2024 vừa rồi, Bộ Công an đã xử lý rất nhiều sàn giao dịch, chủ yếu là các sàn ảo, chẳng hạn như MyAladdinz, Forex, Lion Group, Wefinex, Copycat. Đây toàn là những cái tên xa lạ với dân tài chính. Do đó, khi có lời mời tham gia các sàn giao dịch, nhà đầu tư phải xem cái tên đó có được Nhà nước cấp phép hay không, có được quảng bá rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng hay không và được quản lý bởi bộ, ngành nào. Đó chính là một trong những yếu tố mà nhà đầu tư có thể tra cứu.

Ông Sơn lưu ý nhà đầu tư đến hai yếu tố cần quan tâm, là sàn giao dịch có hợp pháp hay không và có mô hình kinh doanh chuẩn hay không. Mô hình kinh doanh là yếu tố rất quan trọng bởi vì một công ty, một tổ chức đều phải có mô hình hoạt động.

“Ví dụ, công ty chứng khoán hoạt động như một nhà môi giới, ngân hàng là tổ chức kinh doanh vốn. Còn những công ty lừa đảo thì mô hình hoạt động rất lập lờ và kêu gọi nhà đầu tư bỏ tiền vào một sản phẩm không rõ ràng”, ông Sơn giải thích.

Ngoài ra, trong giai đoạn vừa rồi, bitcoin và nhiều đồng tiền số khác tăng rất mạnh mẽ, khiến nhà đầu tư hào hứng khi được mời đầu tư. Trên thế giới hiện nay, hoạt động lừa đảo cũng thường tập trung vào tiền số và những đồng tiền này được gọi là “coin rác”. Những đồng tiền trên được tạo ra trên các nền tảng ảo, không có một ứng dụng nào cả và dễ rơi vào trạng thái vô giá trị.

Nguyên nhân nhà đầu tư dễ bị mắc bẫy

Giải thích về nguyên nhân các đối tượng, tổ chức lừa đảo vẫn có "đất sống", ông Sơn cho rằng, nhiều người mong muốn có lợi nhuận cao, dễ kiếm tiền mà không cần đầu tư kiến thức, kỹ năng về tài chính.

Các công ty đầu tư mời nhà đầu tư tham gia group kín, thường gửi ảnh lợi nhuận giả để tạo cảm giác ham thích. Những nhóm chat kín ở web, app trading giả mạo này có thể tạo lập hình ảnh lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn. Với việc lợi nhuận dễ dàng có thể thu hút nhà đầu tư nộp tiền và thử.

Đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn tinh vi, sử dụng hình ảnh AI mạo danh doanh nhân nổi tiếng để "lùa gà". 
Đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn tinh vi, sử dụng hình ảnh AI mạo danh doanh nhân nổi tiếng để "lùa gà". 

Các trang tin lừa đảo thường giả mạo tên của ngân hàng, tổ chức tài chính uy tín trên thế giới, chạy quảng cáo liên tục trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Ngoài ra, các đối tượng này thường mạo danh, lợi dụng hình ảnh của doanh nhân thành đạt, chuyên gia tài chính ở trên các phương tiện truyền thông để chạy quảng cáo, mời gọi đầu tư.

Các đối tượng lừa đảo mời gọi mua cổ phần nhưng thực ra là góp vốn và cổ phần phát hành ra không có giá trị, không có ý nghĩa pháp lý. Trong những năm gần đây, xuất hiện chiêu trò góp vốn vào mô hình đầu tư như nông nghiệp, trang trại… Đối tượng lừa đảo có thể đưa nhà đầu tư đến thăm trang trại đó, nhưng thực tế, các doanh nghiệp đã tạo ra trang trại ảo, “phông bạt”. Chỉ trong một thời gian sau, doanh nghiệp biến mất và nhà đầu tư mất trắng vốn.

“Giai đoạn đầu nộp tiền ít thì nhà đầu tư có thể rút lãi nhưng đến lúc nộp nhiều thì do một lý do nào đó, phía sàn cho biết phải nộp thêm để rút tiền. Nhưng càng nộp thì lại càng không thể rút được nữa. Trong khi đó, các app, sàn lừa đảo thường không có ở Việt Nam và lưu trữ dữ liệu tại nước ngoài, rất khó có thể truy vết nguồn gốc”, chuyên gia của VPBankS cảnh báo.

Đối với tiền số, ông Sơn cho rằng, đây là thị trường tiềm năng, nhưng các đồng tiền cần phải có một mục đích ứng dụng thực tế nào đó. Hiện tại, tiền số vẫn là lĩnh vực “tranh tối, tranh sáng” bởi Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý quản lý loại tài sản này. Nếu trong tương lai, khi Việt Nam có khuôn khổ pháp lý thì kiến thức để tránh rủi ro vẫn sẽ là cần thiết.

Khi đó, nhà đầu tư cần có thời gian đủ dài để tìm hiểu xem sự vận hành của đồng coin, nghiên cứu xem nền tảng đó có ứng dụng tài chính, công nghệ không, có tạo ra giá trị hay không?

Nếu không, đây sẽ là những đồng coin rác và nhà đầu tư có thể bị “rút thảm” (rug pulled) bất cứ lúc nào. Rút thảm là nhà sáng lập bán toàn bộ vốn, rút đi và khiến nhà đầu tư mất toàn bộ tiền đầu tư.