"Chuyển giá" để trốn thuế có thể bị phạt tù đến 7 năm
Chuyển giá diễn ra trong mối liên kết kinh doanh tại nhiều nước, trong đó công ty mẹ ở nước ngoài sẽ thu lợi nhuận chính từ quan hệ chuyển đầu vào sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cho công ty con ở trong nước.
Luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc điều hành Công ty Luật Ngân hàng Chứng khoán Đầu tư
Liên tiếp thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng pharn ánh hàng loạt bài viết về nghi vấn dấu hiệu “chuyển giá” của công ty, tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Khi chưa có kết luận cuối cùng tất cả vẫn chỉ là nghi vấn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, để tìm dấu hiệu chuyển giá, né thuế là rất khó. Vì thực chất các chiêu bài “chuyển giá” nhằm trốn thuế được các doanh nghiệp đa quốc gia sử dụng ở nhiều nước nhằm thu lợi lớn nhất cho công ty mẹ.
Để độc giả có cái nhìn mới xung quanh vấn đề “chuyển giả”, trốn thuế của các công ty, tập đoàn đa quốc gia và những vấn đề liên quan đến pháp luật thuế tại Việt Nam. Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc điều hành Công ty Luật Ngân hàng Chứng khoán Đầu tư.
Đối với doanh nghiệp, các khoản thuế gián thu hoặc thuế trực thu mà cuối cùng doanh nghiệp cũng là đầu mối nộp cho Nhà nước xuất phát từ nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp hoặc thay cho người tiêu dùng (gián thu) thường bao gồm các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu…
Tôi cho rằng việc chấp hành các nghĩa vụ về thuế của các doanh nghiệp trong nước ở Việt Nam thì tốt, nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng còn đang phải chịu một số bất cập trong các quy định về thuế. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua vẫn còn biểu hiện trốn thuế dưới hình thức chuyển giá.
- Để độc giả có cái nhìn rõ hơn về hiện tượng "chuyển giá", ông có thể giải thích rõ hơn "chuyển giá" là hành vi như thế nào? Nó ảnh hưởng thế nào với nền kinh tế?
Chuyển giá được hiểu là hành vi trốn thuế dưới hình thức nâng khống giá trị đầu vào của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, sau đó gây lỗ ở đầu ra của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, dẫn đến việc sản xuất kinh doanh có kết quả là lỗ, doanh nghiệp trốn được số thuế thu nhập doanh nghiệp đáng ra phải nộp, còn phần lợi nhuận thực doanh nghiệp đã lấy về ở chính đầu vào.
Chính vì vậy, chuyển giá được diễn ra trong mối liên kết kinh doanh tại nhiều nước, trong đó công ty mẹ ở nước ngoài sẽ thu lợi nhuận chính từ quan hệ chuyển đầu vào sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cho công ty con ở trong nước.
Tôi lấy ví dụ, một Công ty ở nước ngoài thành lập một công ty con ở Việt Nam, sau đó bán nguyên liệu, vật tư đầu vào với giá rất cao. Sau đó công ty con dùng nguyên liệu sản xuất thành hàng hóa bán ra ở thị trường Việt Nam với giá bán bằng hoặc rẻ hơn so với chính giá mua nguyên vật liệu đầu vào.
Điều này khiến cho doanh nghiệp bị lỗ và không phải nộp thuế nhưng thực chất doanh nghiệp có lãi vì giá thực của nguyên liệu đầu vào rất rẻ, phần đắt chính là phần lợi nhuận. Nếu như không chuyển giá, công ty con có lãi, thì sẽ phải nộp thuế thu nhập DN và các loại thuế rồi mới được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Chuyển giá như vậy thì rõ ràng, thiệt hại cho nền kinh tế là thất thu ngân sách nhà nước số thuế mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này phải nộp.
- Chuyển giá có phải hành vi trốn thuế không? Khung hình phạt với loại tội phạm này quy định như thế nào?
Trốn thuế là hành vi được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm mục đích không nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thuế phải nộp theo nghĩa vụ nộp thuế phát sinh từ quy định của pháp luật. Thực ra hiện nay trên các phương tiên báo chí mới đưa thông tin cho rằng một số công ty, tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam có dấu hiệu “chuyển giá” chưa có kết luận cuối cùng.
Nhưng có thể khẳng định “chuyển giá” là hành vi trốn thuế và tùy tức mức độ trốn thuế dựa trên tính chất của vi phạm mà hành vi trốn thuế có thể bị xử lý hành chính hoặc thậm chí là hình sự. Bộ luật Hình sự có quy định tội trốn thuế với 3 khung hình phạt khác nhau tại Điều 161, trong đó mức phạt cao nhất là người trốn thuế có thể bị xử phạt tù đến 7 năm và có thể bị phạt tiền đến 3 lần số tiền trốn thuế.
- Để chống lại hành vi trốn thuế đặc biệt với các công ty đa quốc gia, theo ông cần làm những gì?
Theo tôi trước hết cần giám sát hành vi chống chuyển giá: Điều này có thể làm nhưng trước hết cần sự nâng cao năng lực chuyên môn của cơ quan thuế. Cơ quan Thuế có thể phối hợp với những tổ chức chuyên môn (thậm chí ngoài phạm vi khối cơ quan Nhà nước) để xem xét các yếu tố bất hợp lý trong đầu vào sản phẩm của doanh nghiệp chuyển giá. Từ đó có thể đưa ra những đấu tranh đối với doanh nghiệp chuyển giá dựa trên nguyên tắc xác định giá thị trường đối với các yếu tố đầu vào sản phẩm dịch vụ, thậm chí đưa ra mức thuế thu nhập tối thiểu phải nộp cho doanh nghiệp loại này.
Cùng với đó Tổng cục Thuế cần có sự phối hợp quốc tế chống chuyển giá: Trên cơ sở hợp tác về pháp luật Thuế với các nước có hiện tượng chuyển giá lẫn nhau để hạn chế hành vi chuyển giá và xác định các yếu tố liên kết trong mối quan hệ của các công ty xuyên quốc gia.
- Một cách lách luật nữa được các công ty đa quốc gia dùng nhằm né nộp thuế là sử dụng thanh toán qua Visa và chuyển khoản quốc tế khiến thất thu thuế, vậy có cách nào khắc phục thực trạng trên?