Từ góc nhìn của doanh nghiệp
“Chuyển giá” là một trong những chủ đề được đề cập khá nhiều tại các diễn đàn và được phản ánh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua. Đa số ý kiến phản ánh có cách nhìn nhận không được thiện cảm về "chuyển giá"; không ít bài viết nghiên cứu, phản ánh đứng trên quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước hoặc của người tiêu dùng. Tuy nhiên, từ góc nhìn của doanh nghiệp (DN), chuyển giá có thể được xem xét, đánh giá trên các khía cạnh sau đây:
Một là, trên phương diện pháp lý, cần phải phân biệt giữa “chuyển giá hợp pháp” và “chuyển giá phi pháp”. Theo đó, việc DN tận dụng tối đa các quy định của pháp luật để dàn xếp một mức giá chuyển giao hàng hoá, dịch vụ sao cho không vi phạm quy định của các nước có liên quan thì hành vi đó không thể coi là phi pháp. Trường hợp này, DN tiết kiệm được số tiền thuế một cách hợp pháp. Trái lại, các giao dịch hàng hoá, dịch vụ được dàn xếp mà vi phạm các điều luật về giá cả, điều kiện giao hàng, thực hiện dịch vụ hoặc yếu tố về chất lượng… sẽ được xếp vào diện “chuyển giá phi pháp”.
Hai là, về phạm vi và mức độ, cần phân định rõ giữa hành vi gian lận giá với hành vi chuyển giá: Đối với chuyển giá, dù là hợp pháp hay phi pháp, các giao dịch phải có sự xuất hiện, sự dàn xếp của 2 hoặc 3 bên có mối quan hệ liên kết. Ngược lại, gian lận về giá có phạm vi rộng hơn, nó bao hàm cả hành vi chuyển giá. Trong thực tế, với hành vi gian lận giá, có thể một DN tự nó thực hiện được hoặc thông đồng với đối tác mua/bán làm giả mạo giấy tờ, khai gian giá trị các giao dịch, hạch toán chi phí hình thành giá cả không đúng quy định. Khai giá nhập khẩu thấp hơn giá thực tế để trốn thuế nhập khẩu; bán hàng giá cao nhưng lập hoá đơn, hạch toán doanh thu theo giá thấp để trốn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được xem là gian lận giá.
Ba là, mặc dù nhìn thấy được lợi ích của chuyển giá, các DN cũng nhận thức được cái giá mà họ sẽ phải trả khi bị phát hiện và bị xử phạt theo các chế tài áp dụng đối với hành vi phi pháp. Do vậy, các DN lớn, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thường tổ chức ra bộ phận nghiên cứu về chuyển giá hoặc đặt hàng với các công ty tư vấn để chọn ra những phương thức phù hợp, dàn xếp các giao dịch chuyển giá hợp pháp. Các luật sư của DN, các chuyên gia tư vấn về chuyển giá thường dành sự chú ý rất cao đối với các quy định của pháp luật về ưu đãi đầu tư, pháp luật về xuất nhập khẩu, về thuế thu nhập DN… để tìm ra các “kẽ hở” hoặc các cơ hội mà họ có thể tận dụng được, trên cơ sở đó sẽ thiết kế và vận hành hệ thống quản trị DN phù hợp với các phương thức chuyển giá.
Tại sao có chuyển giá?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi chuyển giá, xin được đề cập một vài nguyên nhân dưới đây:
(i) Tối đa hoá lợi nhuận, DN nói chung, các tập đoàn đa quốc gia nói riêng, không bao giờ từ bỏ các cơ hội, các biện pháp nhằm tối đa hoá lợi nhuận, kể cả các hành vi chuyển giá, gian lận giá, gian lận thương mại... Điều chuyển lợi nhuận thông qua chuyển giá sẽ khó bị phát hiện hơn so với các gian lận khác và kể cả trong trường hợp bị phát hiện thì việc xử lý cũng không hề đơn giản bởi chính phủ của mỗi nước thường có thiên hướng bảo vệ DN của mình vì lợi ích quốc gia.
(ii) Quyền tự do định đoạt trong kinh doanh thương mại và đầu tư đã tạo cơ hội cho các DN được quyền quyết định giá các giao dịch. Do đó, trong quan hệ với các bên liên kết, các DN được toàn quyền định mua, bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ theo mức giá họ mong muốn và được thể hiện trong các văn kiện, hợp đồng được luật pháp quốc tế bảo hộ.
(iii) Xuất phát từ mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích giữa các nhóm liên kết, vừa thuận lợi trong điều hành trong phạm vi rộng lớn, vừa có được lợi ích kinh tế nhiều hơn. Sự khác biệt về mức giá giao dịch được thực hiện giữa các bên so với giá chung của thị trường sẽ đưa đến kết quả là một bên có thể được lợi ít hơn hoặc thiệt hại, trong khi bên kia được lợi nhiều hơn nhưng xét về tổng thể lợi ích của toàn cục họ sẽ được nhiều.
(iv) Sự khác biệt về môi trường đầu tư, kinh doanh; về chính sách, pháp luật, thể chế giữa các quốc gia… vừa tạo ra động cơ, đồng thời cũng tạo ra những điều kiện để các tập đoàn đa quốc gia xây dựng và triển khai thực hiện được chiến lược chuyển giá của họ. Sự khác biệt trong chính sách thuế, đặc biệt là các ưu đãi thuế là bức tranh phổ biến và rõ nét trong thời gian vừa qua, có thể nói rất nhiều, gần như đại đa số các nước đang phát triển đều sử dụng các chính sách ưu đãi thuế là một trong những công cụ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, các yếu tố về chính trị, chính sách đối ngoại của những nơi, những khu vực bị “lép vế” hơn so với các khu vực khác cũng làm nảy sinh hành vi chuyển giá và nó được triển khai thực hiện vòng vèo qua các nước trung gian khác.
(v) Ngoài các lợi ích thu được do hạ thấp tối đa số thuế phải nộp, các nhà đầu tư nước ngoài còn quan tâm đến chính sách ngoại hối của quốc gia nơi họ chọn địa điểm đầu tư, lập DN. Với một đất nước có quy định nhà nước thống nhất quản lý tỷ giá giao dịch ngoại tệ và mọi giao dịch ngoại tệ ra vào đất nước này đều phải theo tỷ giá do nhà nước quy định thì cho dù thuế suất thuế TNDN không có sự chênh lệch giữa quốc gia nơi nhà đầu tư cư trú và quốc gia nơi lựa chọn đầu tư thì nhà đầu tư không thể không áp dụng các biện pháp chuyển giá để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để loại trừ rủi ro về chính sách ngoại hối.
(vi) Yếu tố văn hoá, truyền thống dân tộc và lợi ích quốc gia của nhà đầu tư cũng là điểm quan trọng trong chiến lược chuyển giá. Thực tế cho thấy, Nhật Bản là quốc gia có mức thuế suất thuế TNDN cao nhất khu vực châu Á và cũng là một trong số ít quốc gia có thuế suất cao trong khối OECD, nhưng nhà đầu tư Nhật Bản lại là những người có quyết tâm rất cao trong việc triển khai chương trình chuyển giá để chuyển lợi nhuận về quê hương.
Nhận dạng chuyển giá của doanh nghiệp
Thông qua các hồ sơ vụ việc về xử lý truy thu thuế trong thời gian qua có thể nhận biết được các trường hợp mang tính điển hình thuộc các dạng dưới đây:
Một là, DN có vốn đầu tư nước ngoài “đẩy giá” thông qua giao dịch với công ty mẹ nước ngoài hoặc các công ty liên kết của công ty mẹ để nâng giá thiết bị, máy móc, vật tư đặc chủng; định giá rất cao các tài sản sở hữu trí tuệ dưới dạng tiền phí bản quyền, giấy phép sản xuất nhượng quyền, phí quản lý, phần mềm quản lý, nhãn hiệu thương mại... đặc biệt là ở các DN 100% vốn nước ngoài. Một số trường hợp không trực tiếp giao dịch với công ty mẹ nhưng DN mua từ các địa chỉ do công ty mẹ chỉ định hoặc đề xuất thì bên Việt Nam trong công ty liên doanh cũng không thể biết được và các cơ quan quản lý nhà nước “bó tay” cũng là điều dễ hiểu. Một công ty kinh doanh khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh thuộc khối DN có vốn đầu tư nước ngoài, nâng khoản “phí quản lý” trả cho công ty mẹ nước ngoài đối với hoạt động trò chơi có thưởng từ 3% lên 40% doanh thu là một ví dụ điển hình. Thực hiện việc thu thuế nhà thầu đối với tiền bản quyền, phí quản lý theo quy định của Thông tư số 60/2012/ TT-BTC của Bộ Tài chính thì số tiền thuế thu được không đáng kể so với việc DN có được từ chuyển giá. Nếu các cơ quan quản lý áp dụng biện pháp ấn định thì gặp cản trở bởi các quy định của pháp luật về đầu tư còn hiệu lực hoặc bị khởi kiện tại các cơ quan tài phán quốc tế.
Hai là, DN có vốn đầu tư nước ngoài hạ thấp mức giá hàng hoá, dịch vụ đầu ra thông qua các hợp đồng xuất khẩu cho công ty mẹ hoặc các đối tác liên kết của công ty mẹ ở nước ngoài. Tương tự như trường hợp trên, kể cả bên Việt Nam trong liên doanh và các cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta không có được thông tin về đối tác ký hợp đồng với DN có quan hệ liên kết hay không để có thể đặt kế hoạch hoặc đề xuất áp dụng các chế tài xác định giá thị trường theo quy định của pháp luật. Năm 2010, qua kiểm tra, rà soát hoạt động của các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chè tại Lâm Đồng, cơ quan thuế đã phát hiện tình trạng phổ biến tại đây là giá xuất khẩu thấp hơn nhiều so với giá thành. Dựa trên mức giá bán sản phẩm tương đương tại thị trường trong nước, chúng ta mới thực hiện được việc ấn định giá theo các quy định của Luật Quản lý thuế, kết hợp với việc tận dụng quy định của địa phương về thu hồi đất đối với dự án kém hiệu quả… để đấu tranh giảm lỗ vài trăm tỷ đồng tại các DN này. Với những DN thực hiện dàn xếp bài bản về giá đối với cả đầu ra và đầu vào thì chắc chắn báo cáo quyết toán của DN sẽ thể hiện số lỗ phát sinh liên tục cũng là điều bình thường.
Ba là, các tập đoàn đa quốc gia, các DN nước ngoài có các thương hiệu nổi tiếng (đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, gia giầy) thường chỉ lựa chọn phương thức gia công đối với các cơ sở sản xuất tại các nước đang phát triển, có trình độ quản lý thấp. Với phương thức đặt hàng gia công đưa nguyên liệu, nhận thành phẩm với các tiêu chuẩn khắt khe, các hãng đặt hàng đã tận dụng ngay cơ chế khai hải quan và thống kê xuất nhập khẩu của chúng ta hiện nay để thực hiện việc vừa chuyển giá, hợp thức hoá đầu vào với cơ quan thuế của nước họ, vừa ép được giá gia công đối với các DN của chúng ta.
Bốn là, thông qua các hợp đồng tài trợ vốn của dự án, thậm chí tinh vi hơn khi các khoản vốn vay của chủ đầu tư trong cơ cấu tài chính của dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được xây dựng ngay trong phương án trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam ghi ngay vào giấy phép đầu tư, không ít DN đã thực hiện việc “chuyển giá” qua lãi suất một cách hợp pháp. Không ít khách sạn sang trọng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài đều thuộc dạng thu xếp hợp vốn với mức lãi vay rất cao nên phát sinh lỗ rất nhiều năm.
Năm là, thông qua các hợp đồng độc quyền về nhập khẩu, phân phối hàng hoá hoặc qua các hợp đồng độc quyền bao tiêu sản phẩm ký với các DN nước ngoài, các DN Việt Nam đã tiếp tay và trợ giúp đắc lực cho các tập đoàn nước ngoài thực hiện được chiến lược kinh doanh tổng thể, tối đa hoá lợi nhuận. Nếu có điều kiện để kiểm tra, đối chứng và khảo sát các thị trường khác thì rất có thể xác định được những sản phẩm thuộc ngành dược, sản phẩm sữa trong thời gian qua đã được các bên đối tác thực hiện chuyển giá, gian lận giá như thế nào.
Sáu là, cơ chế “giá nội bộ” trong các giao dịch giữa các DN trong cùng một tập đoàn kinh tế hoặc nhóm các công ty trong nước. Trong thời gian vừa qua, với sự thông thoáng của Luật DN, Luật Đầu tư, việc thành lập DN mới quá dễ dàng, sự gia tăng DN mới thành lập do các DN cùng nhau góp vốn chính là việc xây dựng các mối quan hệ liên kết và việc chuyển giá diễn ra thông qua các hợp đồng kinh tế. Ngược thời gian vài năm về trước, dễ dàng nhận biết không ít công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn mới thành lập là “sân sau” của lãnh đạo một số doanh nghiệp nhà nước. Khai thác triệt để quyền chủ động định đoạt trong kinh doanh do pháp luật quy định, đã có không ít hợp đồng “mua cao”, “bán thấp”, hoặc tham gia hoạt động “chia thầu” cũng như việc triển khai thực hiện những hợp đồng béo bở thường được chuyển tới các DN “sân sau”.
Bảy là, việc điều chỉnh cơ cấu trị giá hàng hoá nhập khẩu và dịch vụ đi kèm để giảm thiểu tổng số thuế phải nộp cả khâu nhập khẩu và kinh doanh nội địa. Quy định hiện hành về thuế nhập khẩu được áp dụng đối với hàng hoá, các dịch vụ đi kèm với hàng hoá nhập khẩu được loại trừ ra khỏi giá tính thuế nhập khẩu nhưng phải tính nộp thuế nhà thầu; trong trường hợp không tách riêng thì các loại thuế đều được tính trên tổng giá trị. Thực hiện cam kết gia nhập, hàng năm chúng ta điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu, giữ nguyên thuế nhà thầu; thực tế đang xảy ra thiên hướng giảm trị giá dịch vụ đi kèm hàng nhập khẩu trong khi xu hướng chung là tăng giá trị tài sản trí tuệ, do đó cũng không ngoại trừ việc chuyển giá mang tính chất cơ cấu. Việc này có thể không làm tăng lợi ích của nhà cung cấp nước ngoài nhưng để bán được hàng, họ sẵn sàng ký phụ kiện hợp đồng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. www.mof.gov.vn; tapchitaichinh.vn; gdt.gov.vn; customs.gov.vn;
2. Một số thông tin ban đầu về chuyển giá (Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – Tài liệu cuộc họp ngày 28/4/2011 tại Hà Nội;
3. Quyết định số 1250/QĐ-BTC ngày 21/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012 – 2015.
Chuyển giá dưới góc nhìn của doanh nghiệp
(Tài chính) Hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thường có bộ phận nghiên cứu về chuyển giá nhằm tìm ra các “kẽ hở” hoặc các cơ hội có thể tận dụng được để tối đa hóa lợi nhuận. Dưới góc nhìn từ doanh nghiệp, bài viết sẽ phân tích những lý do, nguyên nhân và một số cách thức các doanh nghiệp thường sử dụng để chuyển giá.
Xem thêm