Chuyển giá trốn thuế sẽ được ngăn chặn

T.Hằng (HQ Online)

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2013, với các chế tài đủ mạnh, tình trạng chuyển giá trốn thuế sẽ được ngăn chặn.

Chuyển giá trốn thuế sẽ được ngăn chặn
Lĩnh vực gia công dệt may đang trở thành đích ngắm thanh tra về hoạt động chuyển giá của ngành Thuế

Lỗ hổng từ chính sách

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng chuyển giá bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp thường chọn khai thuế ở những nơi có mức thuế suất thấp nhất, dù đó không phải là nơi tiêu thụ chính đối với hàng hoá, dịch vụ của công ty. Từ đó, Tổng cục Thuế đã nhận diện và chỉ ra các hình thức chuyển giá hiện nay như: Tăng chi phí khấu hao, giảm thu nhập chịu thuế trên cơ sở nâng giá trị tài sản cố định, máy móc, thiết bị và các dịch vụ khác trong góp vốn đầu tư; chuyển giá thông qua nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ kiện cho sản xuất kinh doanh từ nước ngoài theo hướng cao hoặc thấp hơn giá trị thực nhằm tối đa hóa lợi nhuận, tối thiểu hóa nghĩa vụ nộp thuế. Đặc biệt hành vi chuyển giá thông qua bán giá sản phẩm, hàng hóa cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thực cho các công ty con trong cùng tập đoàn được coi là phổ biến hiện nay.

Hiện nay, cơ sở pháp lý để xác định các trường hợp chuyển giá được quy định tại Thông tư 66/2010/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 22/4/2010 xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Thông tư quy định cụ thể, chi tiết, có nhiều ví dụ minh họa về các dạng liên kết của doanh nghiệp nhưng khi đi vào thực tiễn lại bộc lộ nhiều vướng mắc.

Theo nhận định của một lãnh đạo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam,  rất nhiều doanh nghiệp châu Âu đang gặp khó với các quy định của Bộ Tài chính về xác định đối tượng, quan hệ liên kết  đến lo ngại về việc nếu doanh thu bị điều chỉnh vì mục đích chuyển giá thì có ảnh hưởng đến các nghĩa vụ thuế khác không hoặc doanh nghiệp làm gì sau khi bị điều chỉnh doanh thu do chuyển giá... Đơn cử như: Trường hợp doanh nghiệp thực hiện giao dịch với các cá nhân nắm giữ trên 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu thì giao dịch này có bị coi là đối tượng điều chỉnh của Thông tư 66. Hoặc việc lập tờ khai và báo cáo chuyển giá cho các bên liên kết trong hợp đồng phân chia sản phẩm xăng dầu...

Nhiều doanh nghiệp đề xuất Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp để không quá chênh lệch với thuế suất của các nước trong khu vực, cũng như giữa các địa phương trong cả nước, để ngăn chặn động cơ chuyển giá thông qua việc lợi dụng mức chênh lệch thuế giữa các địa phương, tiến tới sửa đổi, bổ sung quy định về ngưỡng kê khai thông tin giao dịch liên kết, phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay để đơn giản hoá cho doanh nghiệp trong việc kê khai thông tin giao dịch liên kết, đồng thời tăng thêm quyền hạn của cơ quan Thuế trong quá trình xử lý các vụ việc cố tình vi phạm chuyển giá.

Giải pháp ngăn chặn

Vụ trưởng phụ trách công tác Cải cách và Hiện đại hoá - Tổng cục Thuế, Nguyễn Quang Tiến cho biết, từ đầu năm 2012, Tổng cục Thuế đã thành lập Tổ quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá. Tháng 5/2012, Bộ Tài chính phê duyệt Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012- 2015 thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong công tác ngăn chặn tình trạng chuyển giá.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý hữu hiệu để ngăn chặn chuyển giá. Bởi lần đầu tiên Việt Nam cho phép áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp tính giá (APA) thành một điều khoản bắt buộc. Theo đó, yếu tố để xác định giá chuyển nhượng như phương pháp tính giá, các yếu tố so sánh điều chỉnh hay các giả định liên quan đến mức thay đổi giá chuyển nhượng trong tương lai, được thỏa thuận trước và sẽ có hiệu lực áp dụng khi các giao dịch liên kết diễn ra trong một thời kỳ nhất định.

Ngoài ra, Luật Quản lý thuế (sửa đổi), không đưa ra thời hiệu truy thu thuế có nghĩa là người nộp thuế sẽ bị truy thu thuế vô thời hạn (theo quy định hiện hành thời hiệu truy thu thuế là 5 năm trở về trước). Như vậy, với trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra thuế, tại Khoản 1, Điều 78 Luật Quản lý thuế sửa đổi đã bổ sung việc kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế theo tiêu thức đánh giá rủi ro; theo chuyên đề, kế hoạch hàng năm do Thủ trưởng cơ quan Thuế cấp trên phê duyệt và kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá một lần trong năm. Quy định này vừa giúp ngành Thuế kiểm soát được mục đích kiểm tra, vừa tránh lạm dụng, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế đang triển khai xây dựng 5 chuyên đề quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá trong từng lĩnh vực như: “Quản lý giá chuyển nhượng đối với lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản”; “Quản lý giá chuyển nhượng đối với lĩnh vực gia công dệt, may”; “Quản lý giá chuyển nhượng đối với lĩnh vực lắp ráp ôtô, xe máy”; “Quản lý giá chuyển nhượng đối với lĩnh vực sản xuất sợi và dệt vải”; “Quản lý giá chuyển nhượng đối với lĩnh vực sản xuất cơ khí”.

Đến nay, ngành Thuế đã thanh, kiểm tra gần 600 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, có giao dịch liên kết và kinh doanh lỗ triền miên, truy thu và phạt trên 300 tỷ đồng, giảm lỗ qua thanh tra trên 2 nghìn tỷ đồng. Trong số này, tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thanh tra 140 doanh nghiệp kê khai lỗ, kết quả đã điều chỉnh giảm lỗ là 1.705 tỉ đồng, truy thu 143,5 tỉ đồng.

(Nguồn: Tổng cục Thuế)