Chuyên gia USAID: Người Việt lẽ ra phải có thu nhập 7.000 USD
(Tài chính) Xếp hạng 99 về hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam được kỳ vọng sẽ có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều hiện nay, nếu các thủ tục hành chính bớt rườm rà, phức tạp.
Theo báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán dựa trên số liệu năm 2012, xếp hạng Việt Nam thuộc nhóm các nước có thứ bậc từ 91 đến 120. Với mức này, ông Olin McGill - chuyên gia của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) nhận định thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lẽ ra phải đạt khoảng 7.545 USD, cao hơn mức thực tế đã đạt được cùng thời điểm (1.400 USD).
"Việt Nam đáng lẽ phải nằm trong nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình 7.000 USD nhưng thực tế không phải như vậy. Nguyên nhân chủ yếu do điều hành không hiệu quả", vị chuyên gia này phát biểu trong một hội thảo về các chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tổ chức sáng nay (21/7).
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân người Việt được đánh giá là đang tăng lên, song tốc độ lại kém so với thế giới cũng như các nền kinh tế như Trung Quốc, Malaysia... Cụ thể, năm 2004, con số này khoảng 540 USD, thấp hơn gần 6.000 USD so với mức của thế giới (khoảng 6.500 USD). Đến năm 2013, khoảng cách lên tới hơn 8.500 USD (1.960 USD của Việt Nam với gần 10.500 USD của thế giới), tức thấp hơn 80%. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người Trung Quốc đã gần tiệm cận với mức chung, cũng như Malaysia đã thu hẹp khoảng cách về chỉ còn một nửa.
"Cách tốt nhất để thu hẹp khoảng cách thu nhập với các nước là nâng cao hiệu quả điều hành thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, bởi quốc gia càng hiệu quả thì càng thịnh vượng", ông McGill khuyến nghị.
Trong đó, chuyên gia này cho rằng giảm thiểu chi phí thương mại qua biên giới là quan trọng nhất, bởi thời gian nhập hay xuất khẩu bị "tắc" lại một ngày sẽ ảnh hưởng 1% tới tổng kim ngạch của Việt Nam. Với lượng thời gian lên tới 21 ngày như hiện nay, Việt Nam đang thất thoát tổng cộng 15% trong tổng kim ngạch thương mại.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng tán đồng khi cho rằng nếu cải thiện được số ngày thông quan, GDP ước tính tăng 30%. Và nếu lọt vào top 10 nước có chi phí thương mại thấp, sẽ có thêm 3,5 triệu việc làm cho người lao động.
Không chỉ vậy, tiết kiệm thời gian làm thủ tục cho các doanh nghiệp cũng là yếu tố thu hút nhà đầu tư. Theo tính toán của USAID, chỉ cần hợp nhất quá trình đăng ký kinh doanh với đăng ký thuế, cơ quan quản lý có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp một triệu USD. "Chính phủ không nên hỏi một doanh nghiệp hay một công dân về những thông tin mà họ đã có. Ngoài ra, cần loại bỏ nạn tham nhũng", chuyên gia nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng cần giao trực tiếp cho các Bộ, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm về việc nâng cao các chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh. Ví dụ Bộ Kế hoạch & Đầu tư chịu trách nhiệm về chỉ số khởi sự kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm thời gian tiếp cận điện…
"Nếu các cơ quan không cải thiện được những chỉ số này sẽ phải giải trình, chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Kết quả tốt sẽ giúp cho môi trường kinh doanh Việt Nam cải thiện vượt bậc", ông Cung nhận định.