Chuyên gia World Bank chỉ ra những ảo tưởng về các doanh nghiệp tăng trưởng cao
Chuyên gia World Bank nhấn mạnh một doanh nghiệp dù đang tăng trưởng cao cũng không có nghĩa là đảm bảo nó sẽ tiếp tục tăng trưởng ở các giai đoạn tiếp theo.
Khác với những quan điểm thường thấy như doanh nghiệp tăng trưởng cao là doanh nghệp công nghệ trẻ, mới khởi nghệp, xuất hiện ở những thành phố lớn, các tác giả Arti Grover, Denis Medvedev, Ellen Olafsen, chuyên gia của World Bank, trong nghiên cứu mới nhất, công bố chiều 19/11, đã chỉ ra những điều ngược lại.
Doanh nghiệp tăng trưởng cao (high-growth firm, HGF) theo định nghĩa của OECD là có tăng trưởng việc làm hoặc doanh số với tốc độ trung bình 20% trong vòng 3 năm. Hoặc theo chỉ số Birch, là nhóm 10% doanh nghiệp đứng đầu theo chỉ số này về tăng trưởng việc làm hoặc doanh số trong 3 năm.
Các HGF, theo World Bank, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đảm nhận vai trò các cỗ máy công suất lớn tạo việc làm và sản lượng. Tuy số các HGF chỉ chiếm 3 – 20% các doanh nghiệp chế tạo và dịch vụ tại các nước nghiên cứu nhưng chúng tạo ra hơn 50% số việc làm mới và doanh số trong các ngành này. Ngoài vai trò trên, các doanh nghiệp HGF cũng tạo hiệu ứng lan tỏa theo hướng tích cực trong toàn bộ ngành.
Dù vậy, quan niệm chung về một doanh nghiệp tăng trưởng cao đang có một số sai lầm. Cụ thể, khi nghĩ về các HGF, ý tưởng chung thường là các doanh nghiệp trẻ, mới khởi nghiệp, xuất phát tại các cụm doanh nghiệp như thung lũng Silicon. Sau đó doanh nghiệp tăng trưởng nhanh trong một thời gian nhớ một số đặc điểm chính của doanh nghiệp đó.
Như vậy, chính sách trong trường hợp này sẽ tự nhiên hướng đến việc tìm xem doanh nghiệp nào có tiềm năng, sau đó tạo điều kiện tiếp cận vốn, kỹ thuật.
Những điều này thực chất chứa đựng nhiều ảo tưởng, theo bà Arti Grover. Dẫn ra bằng chứng tạo 11 nước được khảo sát, bà cho biết các doanh nghiệp HGF có tuổi đời trẻ hơn mức trung bình nhưng đã có lịch sử hoạt động một số năm trước khi đi vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh.
Các doanh nghiệp này cũng không nhất thiết có quy mô nhỏ. Thực tế, bà Arti Grover cho biết quy mô thường ở mức trung bình trước khi bước và thời kỳ tăng trưởng nhanh. Các doanh nghiệp này cũng không xuất hiện duy nhất tại các ngành khoa học công nghệ, mà ở nhiều ngành nghề khác nhau.
Các doanh nghiệp HGF hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau, tuy nhiên nằm gần cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng để tạo điều kiện tăng trưởng nhanh.
Mặt khác, chuyên gia World Bank nhấn mạnh một doanh nghiệp dù đang tăng trưởng cao cũng không có nghĩa là đảm bảo nó sẽ tiếp tục tăng trưởng ở các giai đoạn tiếp theo.
Bằng chứng chỉ ra rằng hầu hết các HGF cũng chỉ là "điều kỳ diệu một lần". 50% doanh nghiệp tăng trưởng cao trong 3 năm sẽ thoái lui hoàn toàn khỏi thị trường khoảng 3 – 6 năm sau đó và chưa đến 15% doanh nghiệp HGF tiếp tục tăng trưởng cao.
Quá trình tăng trưởng của các doanh nghiệp này, theo bà Arti Grover, có tính chất ngắn hạn và nhất thời. Điều này khiến các chuyên gia World Bank đặt câu hỏi liệu tăng trưởng nhanh, thậm chí là tăng trưởng chung, có phải là đặc điểm của bất kỳ của doanh nghiệp nào không. Hay có thể giai đoạn tăng trưởng nhanh chỉ là một cái gì đó mà một số doanh nghiệp có thể thực hiện được một lúc nào đó trong vòng đời của mình.
Do vậy, khi điều này được chứng minh, World Bank cho rằng việc hướng đến mục tiêu đầu tư cho một vài doanh nghiệp có tiềm năng, có thể là bất khả thi và không nên cố gắng thực hiện.
Vậy để tạo ra tăng trưởng nhanh cho doanh nghiệp tư nhân phải làm cách nào? Chuyên gia World Bank đưa ra 4 giải pháp, bao gồm: đổi mới sáng tạo; kết tụ sản xuất và lợi thế mạng lưới, năng lực quản lý và kỹ năng của người lao động; tạo các mối liên kết toàn cầu; phát triển thị trường tài chính.
Nghĩa là thay vì việc chọn "người chiến thắng" hay hỗ trợ "người chiến thắng", chính sách của Chính phủ nên tập trung hỗ trợ những yếu tố, thành tố tạo môi trường tốt cho toàn thị trường, để mọi doanh nghiệp có cơ hội thắng.
Tuy nhiên, đối với giải pháp cuối cùng, bà Arti Grover cho rằng ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình thấp thì yếu tố tài chính tác động không nhiều bằng phát triển năng lực thể chế.
"Phải vượt qua nút thắt này mới tính đến việc có tài chính hay không", chuyên gia World Bank nhấn mạnh.