Chuyên nghiệp hóa bảo vệ tác quyền
Chiều 24/2, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nhằm đánh giá khó khăn trong giai đoạn hiện nay, từ đó có biện pháp đưa bảo vệ tác quyền ở Việt Nam lên mức chuyên nghiệp hơn.
Hiện tại ở Việt Nam có 5 tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, gồm: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam và Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam. Theo đại diện các tổ chức này, nhiều năm qua, việc triển khai thực thi quyền tác giả, quyền liên quan còn khó khăn. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa có ý thức và nhận thức đầy đủ trong việc thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, không thực hiện hoặc đối phó, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, hay chờ nếu có kiểm tra, xử phạt mới thực hiện, thậm chí tìm mọi cớ để không trả tiền bản quyền...
Do đó, cần có những biện pháp hữu hiệu, tích cực hơn, nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm bản quyền. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cần hỗ trợ bảo vệ bản quyền và xử lý vi phạm, nhằm thực thi có hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, để bảo vệ tác quyền hiệu quả hơn, tránh sự giao thoa, chồng lấn giữa các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, cần thúc đẩy hợp tác, gắn kết giữa các tổ chức này. Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.