Chuyện thâu tóm ly kỳ trên sàn chứng khoán
(Tài chính) Cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) từng có những biến động mạnh trong lịch sử niêm yết của mình. Có thời điểm đạt mức giá rất cao, sau đó rơi vào vòng xoáy suy thoái, rồi bị thâu tóm, trở thành công ty con của chính đối thủ cạnh tranh. Giới đầu tư cho rằng việc thâu tóm VCS là sự kiện khá ly kỳ trên sàn chứng khoán.
CTCP Vicostone là một trong những công ty đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất đá ốp lát nhân tạo tại khu vực châu Á. Hiện VCS có 3 nhà máy sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh cao cấp, 2 công ty con là Công ty Liên doanh Style Stone và CTCP Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị cùng các công ty liên kết là CTCP Chế tác đá Việt Nam và Công ty TNHH Stylenquaza.
Cải thiện sau khi bị thâu tóm
VCS từng là đơn vị làm ăn hiệu quả với lợi nhuận khủng, doanh thu tăng trưởng đều qua các năm, phần lớn sản phẩm tiêu thụ ở các thị trường Mỹ, EU, Úc...Tuy nhiên, Vicostone bất ngờ rơi vào vòng xoáy khó khăn, không trả cổ tức và thậm chí tuyên bố hủy niêm yết tự nguyện.
Trải qua một năm đầy biến động, VCS đã tái cơ cấu công ty bằng cách trở thành công ty con của chính đối thủ của mình là CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) với tỷ lệ nắm giữ 58%.
Ngày 24/3, VCS đã tổ chức đại hội cổ đông công bố doanh thu quý I dự kiến đạt doanh thu 500 tỷ đồng và lợi nhuận không dưới 50 tỷ đồng (kế hoạch năm lãi 311 tỷ). Theo ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch VCS, lợi nhuận tăng cao sau khi trở thành công ty con của Phenikaa, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo chuyển biến rõ nét. VCS sẽ là đầu mối xuất khẩu của tất cả các công ty con và công ty mẹ Phenikaa.
Tuy nhiên, việc bán qua VCS, các công ty con phải chịu rất nhiều thiệt thòi do cơ chế xử lý hoàn thuế và các chi phí phát sinh khác. Việc thu xếp nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ sẽ là khó khăn nếu tất cả các công ty con thực hiện xuất khẩu qua đầu mối là VCS.
Với giá bán, tùy thuộc vào từng thị trường khác nhau và với đầu mối là trung gian xuất khẩu, VCS sẽ hưởng chiết khấu chỉ 5-10% để không làm đội chi phí của các công ty con lên quá cao.
Ông Năng đánh giá, chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng 27% về doanh thu và 19% về lợi nhuận là rất nặng. Hầu hết các thị trường của VCS đều có thuế nhập khẩu 0%, chỉ duy nhất có khu vực Nam Mỹ vẫn đang chịu thuế suất cao từ 15-20%.
Với kế hoạch hiện tại, nguồn lợi nhuận thu từ hoạt động kinh doanh sẽ giúp VCS cân đối nguồn tiền để trả cổ tức và đầu tư tối thiểu 20%. VCS là đầu mối xuất khẩu của công ty mẹ Phenikaa và các công ty con khác, tạo điều kiện thống nhất thị trường, vừa tránh sự cạnh tranh, chèn ép của đối tác nước ngoài.
Theo đó, kế hoạch năm 2015 của VCS gồm tổng doanh thu hợp nhất 2.674 tỷ đồng, tăng 27% so năm 2014; lợi nhuận trước thuế 311 tỷ đồng, tăng trưởng 19%.
Thâu tóm ngược lại
Trước đây, Phenikaa là đối thủ đáng gờm của VCS chuyên sản xuất đá thạch anh tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Từ khi VCS trở thành công ty con đã nhận được sự hỗ trợ từ phía Phenikaa về mặt thị trường, công nghệ và tránh được sự đối đầu.
Trong lúc cạnh tranh khốc liệt, VCS lại phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các đối thủ lớn và sự thâm nhập ồ ạt của các nhà sản xuất giá rẻ từ Trung Quốc. Hơn nữa, các nguyên vật liệu thay thế mới, và các dòng sản phẩm ceramic tấm lớn với đặc tính chống tia cực tím và chống bám bẩn có thể là nguy cơ cho công ty cũng như ngành sản xuất đá nhân tạo trong tương lai gần.
Sau đó, CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) đã chính thức nắm 58% vốn VCS và trở thành công ty mẹ. Chuyện ly kỳ xảy ra khi Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VCS là ông Hồ Xuân Năng đã xuất hiện với vai trò cổ đông lớn của đối thủ vừa thâu tóm VCS là Phenikaa.
Tỷ lệ nắm giữ của ông Năng tại đây lên đến 90% vốn, tương ứng 54 triệu cổ phiếu. Điều này dẫn đến những nghi ngại của cổ đông và nhà đầu tư về thương vụ M&A này. Ông Năng là lãnh đạo của công ty bị thâu tóm đã thâu tóm ngược lại công ty đi thâu tóm là một trường hợp hiếm hoi.
Theo ban lãnh đạo VCS, công ty buộc phải tái cơ cấu bởi đang bị đe dọa về thị phần, hiệu quả hoạt động và tăng trưởng do nguy cơ về cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế ngày cành nhiều đối thủ mạnh. Khả năng gặp rủi ro cao về thị phần, phải hạ giá bán, tăng giá mua đầu vào.
Lúc đó, Phenikaa đã ký hợp đồng độc quyền 6 năm với hãng Breton, vì thế VCS sẽ không có khả năng tăng trưởng trong những năm tới nếu không có chiến lược tái cơ cấu phù hợp để phát triển. Việc trở thành công ty con của Phenikaa là để bảo toàn vốn, làm lành mạnh về tài chính, tăng trưởng cả về doanh thu, lợi nhuận và phát triển bền vững.