Cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng giao thông đường bộ thực hiện đến hết 30/6/2025

Trần Huyền

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025.

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,93 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thời gian vừa qua, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được Nhà nước quan tâm dành nguồn lực lớn để đầu tư, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, việc thực hiện vẫn còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong khi việc đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng là một trong các đột phá chiến lược. 

Để phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Quốc hội, việc ưu tiên nguồn lực, có các chính sách đặc thù để đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại là rất cần thiết. Đồng thời, một số chính sách thí điểm tại dự thảo Nghị quyết được kế thừa từ các chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng thời gian qua và đạt được những kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cần nhiều thời gian để đánh giá, tổng kết kỹ lưỡng, do đó trước nhu cầu cần thiết, cấp bách hiện nay thì việc Chính phủ đề xuất thí điểm các chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ là hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết thí điểm này nếu được Quốc hội thông qua, cần tiến hành đánh giá, tổng kết các quy định pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi.

Về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt nên việc triển khai thực hiện dự án đều có chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lớn. Do đó, việc cho phép Hội đồng nhân dân thành phố được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án là phù hợp.

Đối với các dự án đi qua địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, chi phí giải phóng mặt bằng có thể không cao nhưng do lưu lượng xe thấp, nếu áp dụng theo cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh thì sẽ không bảo đảm được phương án tài chính cho dự án. Tuy nhiên, tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết đã quy định rõ mức tối đa của từng Dự án, do đó, UBTVQH đề xuất giữ như dự thảo Nghị quyết. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không quá 70% hoặc 80% tổng mức đầu tư để bảo đảm phương án tài chính cho các khu vực khó khăn, lưu lượng xe thấp cần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông đường bộ. UBTVQH tiếp thu, theo báo cáo của Chính phủ các dự án PPP đề xuất thí điểm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết đã hoàn thiện theo hướng cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 02 dự án theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này...

Liên quan đến dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 như sau: “nguồn vốn và số vốn còn thiếu so với dự kiến tổng mức đầu tư của dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác”.

Đồng thời, chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 5 như sau: “phần vốn nhà nước tham gia tăng thêm trong tổng mức đầu tư của Dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác”. Tại khoản 7, Điều 7 quy định “Chính phủ chịu trách nhiệm về nguồn vốn và số vốn còn thiếu trong tổng mức đầu tư của dự án quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết này; tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất sau khi các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư”.

UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp sau về số vốn cần bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 đối với chủ trương đầu tư của dự án và tỷ lệ cụ thể vượt quá quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Đầu tư công và gắn với nội dung Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc bổ sung 63.725 tỷ đồng nguồn tăng thu NSTW năm 2022 vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…

Về hiệu lực thi hành (Điều 8), UBTVQH tiếp thu và chỉnh lý Điều 8 dự thảo Nghị quyết theo hướng Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025. Đồng thời, quy định tại khoản 1 Điều 7 về việc Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025.