Cổ đông bỏ quyền, gây khó cho doanh nghiệp

Theo Đầu tư Chứng khoán

Đủ điều kiện tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), nhưng nhiều cổ đông vắng mặt cũng khiến quyết định tại đại hội khó được thông qua.

Cổ đông bỏ quyền, gây khó cho doanh nghiệp
Cổ đông nên xem việc tham dự ĐHCĐ là quyền lợi và nghĩa vụ của mình

Tại thời điểm bỏ phiếu biểu quyết các tờ trình, Đại hội Nhà đầu tư (NĐT) của Quỹ Đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFPF1) đã biết trước kết quả sẽ không thể thông qua việc chuyển đổi sang quỹ mở. Bởi theo quy định tại Thông tư 183/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc thành lập và quản lý quỹ mở, nội dung này phải có sự đồng ý của các NĐT sở hữu từ 75% số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành.

Trong khi đó, số lượng các NĐT tham dự biểu quyết cho đến cuối Đại hội chỉ chiếm 59,73% chứng chỉ quỹ hiện hành. Con số này chỉ đáp ứng yêu cầu được tổ chức Đại hội (tối thiểu 51%), nhưng không thể thông qua được nội dung chuyển đổi sang quỹ mở, dù hầu hết NĐT tham dự mong muốn quyết định chuyển sang quỹ mở được thông qua.

Phía NĐT muốn MAFPF1 chuyển sang quỹ mở đã đưa ra các phương án để khắc phục được tình trạng nhiều NĐT không đến tham dự. Trong đó, có NĐT cho rằng, nên tiến hành lấy ý kiến bằng văn bản, nếu qua thời hạn trả lời mà NĐT vẫn “im lặng” thì xem như đồng ý. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được nhiều ý kiến đồng tình, vì không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Việt Nam - đơn vị quản lý Quỹ MAFPF1 chia sẻ, Công ty đã cố gắng làm nhiều cách khác nhau để thông báo chương trình họp Đại hội đến NĐT như gửi thư, gọi điện vào giờ cổ đông có thể có mặt ở nhà, thậm chí buổi tối.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều NĐT không tham dự. Ngoài ra, không ít NĐT mua chứng chỉ quỹ MAFPF1 từ những ngày đầu thành lập Quỹ cách đây 6 năm, do không tiến hành lưu ký chứng khoán nên gây khó khăn cho việc liên hệ.

Trong thời gian tới, MAFPF1 sẽ tiến hành Đại hội NĐT bất thường để lấy ý kiến về kế hoạch chuyển sang quỹ mở. Hai quỹ khác là VFMVF1 và VFMVF4 cũng sẽ tiến hành họp về việc chuyển sang quỹ mở.

Thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đồng loạt tiến hành ĐHCĐ thường niên 2013. Chưa có thông tin về trường hợp đại hội bất thành do không đủ tỷ lệ cổ đông tham gia, nhưng nỗi lo này vẫn thường trực tại một số doanh nghiệp. Thực tế, những năm trước, không ít trường hợp ĐHCĐ không thể khai mạc do không đảm bảo được tỷ lệ cổ đông đại diện cho 65% vốn điều lệ tham gia.

Thậm chí, một số doanh nghiệp có truyền thống tổ chức đến lần thứ ba (không bị ràng buộc về tỷ lệ cổ đông tham dự), sau khi đại hội lần hai cũng không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự, dù tỷ lệ này được hạ xuống còn 51%. Phía ban điều hành đại hội cho biết, họ đã làm hết sức những công tác liên quan như thông báo đến cổ đông nội dung, thời gian tổ chức đại hội, nhưng nhiều cổ đông vẫn không chịu đến.

Việc cổ đông không đến dự họp có nhiều lý do như không sắp xếp được thời gian, ngại đi xa, nhưng không loại trừ trường hợp họ không muốn tham dự vì nghĩ mình là cổ đông nhỏ lẻ, ý kiến ít có trọng lượng. Ngoài ra, có những trường hợp NĐT ngắn hạn không quan tâm đến doanh nghiệp, nhất là đã bán ra cổ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày chốt quyền đến trước thời điểm đại hội được tổ chức.

Theo một số NĐT lâu năm, các cổ đông nên xem việc tham dự ĐHCĐ là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Qua đại hội, NĐT sẽ biết rõ hơn về chính sách phát triển của công ty, phương hướng hoạt động, thậm chí là để biết tính cách của người điều hành doanh nghiệp. Các cổ đông nhỏ dù nắm giữ tỷ lệ cổ phần ít, nhưng vẫn nên chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có vấn đề cần góp ý sửa đổi. Điều này sẽ giúp cho việc đầu tư vào doanh nghiệp được hiệu quả hơn.

Luật Doanh nghiệp quy định, người sở hữu cổ phần phổ thông tại các công ty cổ phần là các cổ đông phổ thông. Các cổ đông phổ thông có quyền tham dự và phát biểu trong các ĐHCĐ và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền; mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.

Với sự ra đời của TTCK, sự xuất hiện của cổ đông nhỏ, cổ đông cá nhân ngày càng nhiều. Việc tham dự đại hội thường niên để tìm hiểu doanh nghiệp, chất vấn ban điều hành là một trong những quyền lợi của cổ đông được pháp luật bảo vệ. Bỏ quên điều này là một thiệt thòi cho chính cổ đông.