Cơ hội để tăng dư nợ cho vay đánh bắt xa bờ

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Khi vay vốn, ngư dân được hưởng mức cho vay tối đa từ 70-95% tổng mức đầu tư và lãi suất chủ tàu phải trả ổn định từ 1-3%/năm, tùy thuộc vào chất liệu vỏ tàu và tổng công suất máy của con tàu.

Cơ hội để tăng dư nợ cho vay đánh bắt xa bờ
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Với đất nước có bờ biển dài 3.260 km như Việt Nam thì cho vay phát triển kinh tế biển, đặc biệt là ngành thủy sản là cơ hội cho các ngân hàng khai thác thị trường tín dụng cho ngư dân vay đánh bắt xa bờ. Riêng hệ thống Agribank – ngân hàng chủ lực trong cho vay lĩnh vực thủy sản, số liệu đến hết tháng 8/2014 đạt dư nợ 29.755 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay khai thác thủy sản là 17.319 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng rất muốn cho vay nhưng vẫn phải đặt vấn đề thu hồi nợ được hay không lên hàng đầu. Trên thực tế, tài sản bảo đảm tiền vay của khách hàng chủ yếu là tàu cá, nhưng ngân hàng chỉ giữ Giấy chứng nhận còn phương tiện thì giao cho khách hàng sử dụng để khai thác. Khi phương tiện đi khai thác ngoài khơi thì rủi ro với nguồn vốn vay là rất lớn. Bên cạnh đó, tàu cá là tài sản khó chuyển nhượng, thanh lý, nếu có thì giá trị chuyển nhượng thanh lý tài sản thường rất thấp, việc đánh giá giá trị thế chấp cao sẽ tăng nguy cơ rủi ro cho ngân hàng.

Mặt khác, do đánh bắt xa bờ ở ngư trường xa, neo đậu ở các địa phương ngoài tỉnh nên ngân hàng rất khó khăn trong việc kiểm tra, quản lý dòng tiền sau khi ngư dân bán hải sản khai thác được. Khi khách hàng không trả được nợ, chủ phương tiện lại không đưa tàu về bến địa phương mà neo đậu ở các bến của các tỉnh ở xa, nên ngân hàng cũng không quản lý được tài sản đảm bảo và thực hiện các biện pháp pháp lý để thu hồi nợ. Bởi, muốn phát mại tài sản thế chấp thì phương tiện tàu cá phải được kéo về bến đậu và có người bảo quản, trong khi hiện chưa có các văn bản liên ngành để các cơ quan liên quan như Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và các cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ ngân hàng.

Khi Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) thì được các ngân hàng coi là một hệ thống chính sách đồng bộ, có mức hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay nhằm giúp ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá, tàu dịch vụ để khai thác hiệu quả hải sản ở vùng biển xa. Trên cơ sở của Nghị định trên, NHNN đã ban hành Thông tư số 22/TT-NHNN về việc hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67.

Thông tư quy định tất cả các NHTM được thành lập và hoạt động theo Luật Các TCTD được cho vay chủ tàu để đặt hàng đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; cho vay vốn lưu động để khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Như vậy, nếu như trước đây đa số vốn cho vay từ Agribank thì nay các NHTM khác cũng sẽ quan tâm đến lĩnh vực cho vay này.

Ngoài ra, nếu như trước đây các NHTM và khách hàng tự tìm đến nhau thì với Nghị định 67, chủ tàu muốn được vay vốn để đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ phải có tên trong danh sách đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể và phải được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Khi vay vốn, ngư dân được hưởng mức cho vay tối đa từ 70-95% tổng mức đầu tư và lãi suất chủ tàu phải trả ổn định từ 1-3%/năm, tùy thuộc vào chất liệu vỏ tàu và tổng công suất máy của con tàu.

Với các điều kiện ưu đãi như vậy, chắc chắn dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản nói chung và cho vay đánh bắt hải sản xa bờ sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.