Cơ hội hồi sinh TPP
Kể từ khi Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 3, thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử rơi vào trạng thái lấp lửng. Tại cuộc họp vừa diễn ra ở Australia, 11 nước thành viên đã khẳng định quyết tâm hồi sinh TPP.
Chờ đợi “phán quyết” cuối cùng
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp giữa đại diện thương mại của 11 nước tham gia ký kết TPP (gồm Canada, Mexico, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Chile, Peru, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Brunei) vừa diễn ra tại Australia, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo cho biết, trưởng đoàn đàm phán các nước đã thảo luận cách thức nhằm thúc đẩy việc thực thi TPP và tạo điều kiện nhằm lôi kéo Mỹ quay trở lại.
Trong ba ngày diễn ra hội nghị, các nước đều tỏ rõ ý muốn chung về việc đưa TPP vào thực thi tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam vào tháng 11 tới, ông Ciobo cho biết.
11 nước thành viên cũng nhất trí, sẽ tiếp tục nhóm họp trong tháng này tại Nhật Bản, để đưa ra một quyết định cuối cùng trước khi Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra.
Mặc dù tính toán các phương án hiện thực hóa TPP mà không có Mỹ, song các nước vẫn hy vọng Mỹ có thể sẽ thay đổi quyết định tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC sắp tới. Vì vậy, đây sẽ là thời điểm quyết định số phận của TPP, vốn đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”.
Thời gian qua, bất kể việc các nước còn lại đều công khai tuyên bố giữ nguyên cam kết thực thi TPP, song việc triển khai thỏa thuận này bị đình trệ, làm dấy lên lo ngại các nước khác có thể theo chân Mỹ rút khỏi TPP.
Giới phân tích cho rằng, dù có hay không có Mỹ, TPP cho đến nay vẫn là khuôn khổ thỏa thuận chung về thương mại mang tính chiến lược và tốt nhất dưới góc độ doanh nghiệp. Thỏa thuận này cung cấp quyền tiếp cận miễn thuế đối với tất cả hàng hóa sản xuất cho các thành viên và mở ra cơ hội cho các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư.
Theo nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành APAC Advisors, công ty tư vấn công vụ tại Singapore, Steven R. Okun, một thỏa thuận TPP không có Mỹ tham gia (TPP-11) sẽ là hiệp định thương mại với phạm vi nhỏ hơn và các nước tham gia sẽ không được hưởng quyền tiếp cận thị trường Mỹ một cách tự do.
Song, đây sẽ vẫn là thỏa thuận thương mại quan trọng và cần thiết đối với các doanh nghiệp khu vực trong thế kỷ XXI. Các quy định của TPP đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cao và tham vọng hơn so với bất kỳ thỏa thuận thương mại khu vực nào. Nếu được hồi sinh, TPP sẽ kết nối 11 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với khoảng 12.400 tỷ USD.
Điều chỉnh hay giữ nguyên?
Với hy vọng cứu vãn TPP, các đại diện thương mại của 11 nước thành viên tham gia ký kết TPP đang xem xét sửa đổi một số nội dung trong thỏa thuận ban đầu cho phù hợp. Thứ trưởng Thương mại Peru Edgar Vasquez cho biết, “các nước đều sẵn sàng đánh giá lại các phương án có thể thực thi và xác định những lựa chọn khả thi có thể có”.
Tại cuộc họp vừa qua ở Australia, một số thành viên đã đề nghị sửa đổi hoặc đóng băng một số điều khoản của hiệp định, chẳng hạn như các vấn đề liên quan tới hoạt động thu mua của nhà nước hay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dược phẩm.
Việt Nam đã đề xuất khả năng điều chỉnh một số điều khoản trong vấn đề quyền của người lao động và các quy định về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm, doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, Canada và Mexico đã đưa ra danh sách các điều khoản muốn đình chỉ.
Với yêu cầu của Mỹ, một số điều khoản của TPP có thể sẽ được kết hợp vào phiên bản sửa đổi của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), do đó hai nước này muốn đình chỉ một số điều khoản nhất định. Canada và Mexico cũng mong muốn nhanh chóng đi đến kết luận tại các cuộc đàm phán TPP, để có thể tập trung vào tái đàm phán NAFTA.
Trưởng đoàn Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto cho rằng, cần tiếp tục có những cuộc thảo luận tinh tế hơn về các điều khoản trước khi đi đến thống nhất, vì sẽ có những điều khoản nhất định cần phải sửa đổi, thay vì chỉ dừng lại.
Trước cuộc họp tiếp theo tại Nhật Bản, ông Umemoto cũng đề nghị mỗi nước đưa ra một danh sách chi tiết các yêu cầu để đưa ra bàn bạc và quyết định. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu thuộc Trường Kinh tế Crawford ở Canberra, Australia, Shiro Armstrong cảnh báo, TPP mới càng có nhiều thay đổi so với văn bản ban đầu thì khả năng Mỹ quay lại ký kết hiệp định sẽ càng khó khăn hơn.
Nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sydney, Australia, Patricia Ranald bình luận, “TPP sẽ không còn mấy ý nghĩa đối với Mỹ nếu nước này phải chấp nhận những điều khoản mà họ không thể đồng tình”. Vì vậy, một khi những đề xuất sửa đổi được chấp thuận, cánh cửa để Mỹ quay lại TPP sẽ khép lại.