Cơ hội mua cổ phiếu?
Trước xu hướng thị trường chứng khoán quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng trong những tuần qua, bên cạnh các cảnh báo nên thận trọng, cũng không ít ý kiến tin rằng nhà đầu tư đang đứng trước cơ hội gom hàng.
Nên tất tay...
Trong những ngày cuối tháng 2, Quỹ Đầu tư Pyn Elite Fund phát hành báo cáo với tiêu đề All In (Tất tay), cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vốn đã có mức giá tốt từ trước đợt giảm mạnh do dịch Covid-19, do đó việc lao dốc gần đây là cơ hội để bắt đầu mua vào cổ phiếu khi thị trường chỉ bị ảnh hưởng nhất thời. Quỹ này cũng tin rằng các doanh nghiệp (DN) niêm yết đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tốt, đi kèm với việc VN-Index đã tích lũy trong các năm gần đây nhằm chuẩn bị cho bước tăng mạnh.
Công ty Chứng khoán KISVN (Hàn Quốc) trong báo cáo triển vọng thị trường nhận định, chính sách tiền tệ nới lỏng gần đây, như Ngân hàng Nhà nước liên tiếp yêu cầu các tổ chức tín dụng có các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay có thể giúp chứng khoán phục hồi theo mô hình chữ V, có thể xảy ra vào tháng 3.
Không riêng gì chứng khoán, nền kinh tế cũng có thể có xu hướng tương tự. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020, nhưng nền kinh tế sẽ phục hồi sau dịch. Theo bà Kristalina Georgieva, tác động này sẽ là "hình chữ V", nghĩa là nền kinh tế sẽ được phục hồi nhanh trong khoảng thời gian ngắn.
Với việc VN-Index bốc hơi hơn 12% sau khi thị trường mở cửa giao dịch trở lại sau Tết Canh Tý, nằm trong top những chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới, trong đó nhiều cổ phiếu rớt về mức đáy, ắt hẳn không ít nhà đầu tư nhận thấy cơ hội hấp dẫn và "nổi lòng tham" cũng là điều dễ hiểu.
Với đà giảm sâu trong những ngày vừa qua, tại mức điểm hiện tại, P/E VN-Index chỉ còn 13,28 lần, tương đương với giai đoạn tháng 6/2016 khi chỉ số VN-Index dao động quanh vùng 620 điểm.
...hay thoát ngay?
Ngược lại, vẫn có một số tổ chức cho rằng thị trường chứng khoán sẽ còn trì trệ cho đến cuối năm, khi dịch bệnh chưa sớm được dập tắt và sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế Việt Nam là tất yếu.
Với tâm dịch là Trung Quốc và sự lây lan mạnh tại các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản - những đối tác thương mại lớn của Việt Nam và cũng là những quốc gia có lượng khách du lịch và vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất, rõ ràng tăng trưởng kinh tế đối mặt với sự suy giảm là điều dễ hiểu. Gần đây, hàng loạt dự báo suy giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đã được đưa ra.
Trong khi đó, dù các quốc gia đang ra sức ngăn chặn sự lây lan và nỗ lực nghiên cứu sản xuất thêm các loại thuốc và vắc xin phòng chống dịch do virus Corona biến thể, nhưng phải cần thêm nhiều thời gian, ít nhất là cuối năm nay. Do đó, nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ tiếp tục là "con tin" trước những ảnh hưởng của dịch bệnh và rủi ro khó lường của kinh tế cũng như địa - chính trị toàn cầu.
Vì lẽ đó, không ít nhà đầu tư bi quan cho rằng cần sớm thoát khỏi thị trường nếu có cơ hội. Trong đợt thị trường phục hồi vào giữa tháng 1, nhiều nhà đầu tư đã tận dụng để thoát hàng và chốt lời cho những vị thế bắt đáy trước đó. Và thực tế đã chứng minh những nhà đầu tư này quyết định đúng vì từ phiên giao dịch ngày 21/2/2020 đến nay, chứng khoán tiếp tục lao dốc.
Diễn biến trên càng cho thấy bất kỳ sự phục hồi nào trong thời điểm hiện nay cũng rất mong manh, khi tâm lý nhà đầu tư đang rất dễ bị tổn thương trước bất kỳ diễn biến nào của dịch bệnh, mà sự lây lan nhanh chóng tại Hàn Quốc, Ý hay Iran là minh chứng cho thấy thị trường dễ bị tác động như thế nào bởi Covid-19. Trước xu hướng số quốc gia nhiễm bệnh ngày càng mở rộng, người chết đã xuất hiện tại những nền kinh tế phát triển và ngay cả ở bên kia đại dương như Mỹ, nỗi lo sợ chắc chắn sẽ chưa dừng lại.
Dù vậy, đa số ý kiến của các công ty chứng khoán cho rằng, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu, hạ đòn bẩy nếu đang nhắm nhiều cổ phiếu, nhưng không nhất thiết hoảng loạn và bán tháo bằng mọi giá, khi hiện nay ít nhiều tâm lý thị trường đã ổn định hơn so với thời điểm dịch mới bùng phát. Nói cách khác, nhà đầu tư đã ít nhiều có những miễn nhiễm trước các thông tin tiêu cực và hình dung được các kịch bản có thể xảy ra với thị trường.
Với những nhà đầu tư đang nắm giữ tiền, cân nhắc cơ hội ngắm hàng cho mục tiêu đầu tư trung dài hạn. Việc lựa chọn ngành, DN cũng là yếu tố quan trọng, theo đó những ngành, DN bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh rõ ràng không hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư vào lúc này. Thay vào đó, những lĩnh vực, ngành nghề có lịch sử được hưởng lợi từ dịch bệnh, hoặc sẽ có lợi ích từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, được cho là sẽ thu hút dòng tiền.