Có nên ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không?
(Tài chính) Tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất lên Chính phủ và Quốc hội về việc sớm xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả. Đề xuất này có phù hợp với thực tế không?
Vì vậy, để những quyết tâm cải cách, chương trình hành động về cải cách được thực thi thì cần phải được luật hóa. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì càng cần được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt hơn.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trước đây chúng ta đã triển khai những chương trình, biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng để có giá trị pháp lý cao hơn, đồng bộ hơn cần phải xây dựng thành luật. VCCI cũng đề nghị, cần có nghị định của Chính phủ về công nghiệp hỗ trợ. Và để tăng cường liên kết doanh nghiệp thì cũng cần có một nghị định riêng về các hiệp hội doanh nghiệp
Cũng có những phản biện: Luật Doanh nghiệp vừa được sửa đổi ban hành năm 2014 nên không nhất thiết phải có thêm luật dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ cần có thêm một nghị định mang tính pháp lý là đủ.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm khẳng định: nếu các quy định dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ dừng ở nghị định thì tính pháp lý không cao, không đủ sức điều chỉnh… Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mang tính chất đặc thù, không trùng lặp và mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp 2014 mới ban hành. Nhiều quốc gia đã ban hành và thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều quan trọng là sau khi có Luật này, rất nhiều chính sách dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực thi, giúp cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Theo chuyên gia kinh tế, Ts Nguyễn Minh Phong cần phải khẳng định, xây dựng Luật là để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các chính sách cụ thể. Vì vậy, ngoài việc phải thống nhất với các quy định chung của Luật Doanh nghiệp thì luật này chỉ quy định một số cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng theo các tiêu chí, mà không tạo ra sự phân biệt hoặc sự bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp được hỗ trợ, trong khuôn khổ mỗi nước cũng như các cơ chế hội nhập cho phép để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mục tiêu, lộ trình cam kết hội nhập.
Ts Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban đổi mới và cải cách DNNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, để có một đề xuất thực sự xác đáng trong bối cảnh Việt Nam đang có một số luật dành cho doanh nghiệp (như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…) phải nghiên cứu những đặc trưng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả các chính sách về thuế, đất đai, tài nguyên, cần thể chế hóa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có những doanh nghiệp siêu nhỏ, loại nhỏ, cần xác định rõ tư tưởng chủ đạo, đối tượng, phạm vi, mục tiêu điều chỉnh...
Qua các đề xuất, kiến nghị của tổ chức doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế có thể thấy, trong bối cảnh Việt Nam có tới 96% doanh nghiệp là nhỏ và vừa thì việc xây dựng và ban hành “Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” là cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để làm rõ cách thức xây dựng và bài học kinh nghiệm của các nước đã triển khai.