Có nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng?

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Sẽ xảy ra hiện tượng phân hóa mạnh tại nhóm blue chip trong năm nay, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ nổi lên như một ứng cử viên sáng giá bởi có không ít ưu thế...

Có nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Hai năm qua, lý do chính khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa sôi động chủ yếu nằm ở các vấn đề nội tại của ngành. Tuy nhiên, những vấn đề này đang được kỳ vọng là có thể giải quyết triệt để trong năm nay, khi quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đạt được những bước tiến cần thiết. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô cải thiện tích cực sẽ hỗ trợ đáng kể cho nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Nhìn lại năm 2014, có thể thấy đây là năm mà ngành Ngân hàng quyết liệt tái cơ cấu và có những thay đổi về mặt pháp lý đáng được nêu. Cụ thể, Thông tư 09 tạm hoãn việc thực hiện 3 điều khoản chính của Thông tư 02 (các sửa đổi chính được đưa ra trong Thông tư 02 bao gồm hạn chế việc tái cơ cấu nợ, điều chỉnh phân loại nợ theo kết quả tổng hợp của Trung tâm Thông tin Tín dụng và nhấn mạnh việc phân loại nợ theo phương pháp định lượng sẽ được thực hiện trong năm 2015). Các điều chỉnh cho thấy sẽ có nhiều thay đổi đáng kể so với tình hình hiện nay.

Kế đến, việc NHNN hai lần hạ trần lãi suất huy động và tín dụng đối với năm lĩnh vực ưu tiên (trong tháng 3 và tháng 10) nhằm kích thích nền kinh tế, đồng thời duy trì tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng bằng cách giảm chi phí huy động vốn. NIM của các ngân hàng nhìn chung đã giảm rõ rệt vào quý I/2014, nhưng xu hướng giảm yếu dần từ quý II đến quý III/2014. Tại một số ngân hàng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã phần nào khắc phục ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của việc NIM giảm.

Theo CTCK Bản Việt (VCSC), quá trình kích thích ngành Ngân hàng về cơ bản đang chậm đi bởi tâm lý hoài nghi của thị trường. Phần lớn các môi giới tại Việt Nam vẫn đánh giá thấp các cổ phiếu ngân hàng do nguồn tham khảo chính của họ là số liệu toàn hệ thống của NHNN, thay vì các phân tích tài chính.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nên quan tâm hơn về tình trạng các cổ phiếu đã niêm yết bởi tình hình nhìn chung là không còn rủi ro hệ thống trong ngành Ngân hàng. Mặc dù vậy, các ngân hàng tập trung vào cho vay các DNNVV sẽ gặp khó khăn hơn so với các ngân hàng tập trung vào khách hàng là các DNNN và các tập đoàn lớn.

“Nếu nhà đầu tư có quan điểm lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam, và đã đầu tư mạnh vào các mã thuộc ngành hàng tiêu dùng, lĩnh vực kế tiếp đáng để đầu tư tại Việt Nam là ngân hàng”, VCSC khuyến nghị.

Với mục tiêu đến năm 2015, cả nước có 15 ngân hàng mạnh và xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, rõ ràng, các ngân hàng sẽ có sự phân hóa đáng kể. Do đó, việc “chọn mặt” cổ phiếu ngân hàng để “gửi vàng” phải căn cứ trên bình diện rộng này.

Theo khuyến nghị của CTCK MB (MBS), nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu đang duy trì hoạt động ổn định, có dòng cổ tức đều đặn, chiến lược kinh doanh và quản lý rủi ro tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp và ít có (hoặc đã xử lý ổn thỏa) hiện tượng sở hữu chéo cũng như cho vay chéo trong nội bộ ngân hàng. MBS đưa ra nhóm cổ phiếu ngân hàng để nhà đầu tư tham khảo, đó là EIB, VCB, MBB, ACB, STB…

Trong khi đó, cũng với nhận định ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ có sự phân nhóm, VCSC cho rằng VCB sẽ vượt trội so với các ngân hàng khác bởi đây là cổ phiếu có khả năng chịu rủi ro mạnh nhất. Việc ban hành Thông tư 36 về bản chất cho phép VCB tăng trưởng tín dụng nhanh hơn nhiều so với mức dự báo 15,1%.

VCB cũng áp dụng hệ số beta cao nhất đối với VCB và dự báo NIM tăng lên khá dễ dàng. Việc thay đổi định hướng trong quản lý rủi ro tại VCB sẽ đẩy mảng cho vay DNNVV/cá nhân, tạo áp lực đối với các ngân hàng khác và tăng NIM.

“Hai mã đáng quan tâm khác là BID và MBB. Dù khả năng tăng trưởng bị hạn chế bởi vai trò là nhà cung cấp vốn cho các dự án quốc gia, nhưng BID vẫn được đánh giá cao nhờ bảng cân đối kế toán và tình hình thu nhập ngoài lãi khả quan. BID dễ chịu tác động của tăng trưởng GDP và có thể là ngân hàng hưởng lợi nhiều nhất từ Thông tư 36.

Đối với MBB, do phải chịu sức ép lớn trong năm nay từ việc giải quyết sở hữu chéo của hai ngân hàng lớn cùng với tiếp tục tìm kiếm đối tác chiến lược trong nước và nước ngoài, MBB vẫn được đánh giá tốt dựa trên mô hình định giá tài chính”, VCSC phân tích.

Theo dự đoán của ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược thị trường của CTCK VCB, sẽ xảy ra hiện tượng phân hóa mạnh tại nhóm blue chip trong năm nay, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ nổi lên như một ứng cử viên sáng giá bởi có không ít ưu thế như vốn hóa thị trường đủ lớn để chi phối rổ chỉ số và tác động lớn đến các nhóm cổ phiếu còn lại, liên tục nhận được các thông tin chính sách hỗ trợ tích cực trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đẩy mạnh…