Có nên mua vào khi vàng sắp chạm ngưỡng 102 triệu đồng/lượng?

Hương Dịu

Tính đến phiên giao dịch chiều cuối cùng của tháng 3/2025, giá vàng trong nước đã tăng hơn 1 triệu đồng mỗi lượng, để giá bán ra sắp tiến lên mốc 102 triệu đồng/lượng.

Tính đến 14 giờ chiều 31/3/2025, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức 99,5-101,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,1 triệu đồng mỗi lượng ở cả hai chiều so với phiên trước.

Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC có cùng mức giá, nhưng giá vàng miếng vàng Rồng Thăng Long và giá vàng nhẫn tròn trơn lại cao hơn vàng SJC 100.000 đồng mỗi lượng, hiện ở mức 99,6-101,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

 

So với phiên giao dịch đầu tuần trước, giá vàng hiện đã tăng hơn 4 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 4,3%.

So với phiên giao dịch đầu tháng 3/2025 thì giá vàng đã tăng gần 12%, thậm chí giá vàng hiện còn tăng tới gần 21% so với phiên giao dịch đầu năm 2025 - mức sinh lời rất cao so với nhiều kênh đầu tư khác.

Giá vàng nhẫn tròn trơn và vàng thương hiệu riêng của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận được niêm yết ở mức 99,5-101,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), cũng tăng 1,1 triệu đồng mỗi lượng so với phiên 30/3/2025.

Giá vàng trong nước phá vỡ các kỷ lục do ảnh hưởng mạnh của giá vàng thế giới. Trên sàn Kitco, giá vàng thế giới cũng tăng không ngừng lên quanh mức 3.120 USD/ounce, tăng 35 USD/ounce so với phiên trước.

Quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank (chưa tính thuế, phí), giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng gần 5 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng đang có diễn biến tăng mạnh. Ảnh: H.Dịu
Giá vàng đang có diễn biến tăng mạnh. Ảnh: H.Dịu

Theo các chuyên gia phân tích, giá vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng tăng. Yếu tố hỗ trợ vàng trong tuần đầu tháng 4/2025 sẽ là báo cáo việc làm tháng 3 của Mỹ và chính sách áp thuế thương mại toàn cầu của chính quyền Mỹ vào giữa tuần này.

Một vấn đề nổi lên khi giá vàng có những bước tăng mạnh là nên hay không nên đầu tư vào vàng, bởi dù vàng đang đứng ở mức cao nhưng đà tăng được dự báo vẫn chưa dừng lại, mức sinh lời lại có sự hấp dẫn rất lớn với nhiều nhà đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS. Ngô Trí Long, tâm lý lo sợ bỏ lỡ cơ hội là một hiện tượng phổ biến ở nhà đầu tư, dẫn đến hành vi vội vàng, thiếu tính toán khi đầu tư, đặc biệt là khi mua vàng theo cảm xúc khi giá tăng mạnh, thiếu tính toán chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra.

Điều này làm tăng rủi ro đầu tư, nhất là khi mua vào ở đỉnh giá nên có thể dẫn đến thua lỗ lớn nếu thị trường đảo chiều, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều biến động khó lường.

Vì thế, vị chuyên gia này cho rằng, nhà đầu tư không nên chạy theo tâm lý đám đông, không nên mua vào khi giá vàng đang tăng nóng, mà cần phân tích kỹ thị trường, tình hình kinh tế, xác định mục tiêu đầu tư rõ ràng và có kế hoạch quản lý rủi ro.

Các chuyên gia của Bảo Tín Minh Châu cũng liên tục khuyến nghị, trước sự biến động khó lường của giá vàng trong nước và quốc tế, nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.

Đối với những người đang nắm giữ vàng, PGS.TS. Ngô Trí Long khuyên nên tiếp tục nắm giữ, đặc biệt với những nhà đầu tư dài hạn, do các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm lãi suất và nhu cầu vàng gia tăng trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động.

Song nhà đầu tư cần đa dạng hoá kênh đầu tư để tránh rủi ro “bỏ trứng vào một giỏ”, nên kết hợp với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản… đầu tư vàng chỉ nên chiếm từ 5-15% tổng tài sản.