Có nên tăng tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp?


Tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí theo luật định của người sử dụng lao động tại Trung Quốc vẫn tương đối cao. Biện pháp hạ tỷ lệ đóng góp có thể là giải pháp để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp nhưng lại làm gia tăng gánh nặng đối với quỹ hưu trí.

Người cao tuổi tại trung tâm cộng đồng ở Túc Châu, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Người cao tuổi tại trung tâm cộng đồng ở Túc Châu, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo quy định trước kia, tỷ lệ đóng góp lương hưu theo luật định của người sử dụng lao động tại Trung Quốc là 20%.

Vào giữa năm 2016, một số tỉnh và thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh, đã bắt đầu giảm mức đóng góp của người sử dụng lao động từ 20% xuống 19% và một số khu vực như Quảng Đông sau đó đã giảm tỷ lệ xuống mức 14%.

Năm 2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chính thức tuyên bố trong báo cáo công tác của mình trước Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc rằng tỷ lệ đóng góp của người sử dụng lao động ở tất cả các khu vực có thể giảm xuống 16%, như một phần của gói biện pháp được thiết kế để giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ vẫn cao hơn khoảng một phần ba các nước OECD giàu có và cao hơn đáng kể so với tỷ lệ ở Hoa Kỳ (10,6%) và Hàn Quốc (9%).

Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các công ty được miễn đóng góp an sinh xã hội. Người sử dụng lao động được phép ngừng đóng góp vào quỹ hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm thương tích lao động trong tối đa 6 tháng. Năm đó, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được 1,54 nghìn tỷ NDT từ các biện pháp này, trong đó miễn trừ quỹ hưu trí chiếm 1,33 nghìn tỷ NDT trong tổng số đó.

Về lý thuyết, việc giảm tỷ lệ đóng góp của người sử dụng lao động có lợi trực tiếp cho các công ty bằng cách giảm chi phí an sinh xã hội và tăng lợi nhuận, thúc đẩy tạo việc làm. Thật không may, điều này không xảy ra trong thực tế. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng gấp đôi từ mức trước đại dịch là 10% vào năm 2018 lên hơn 20% vào tháng 4.2023, cao hơn nhiều so với mức trung bình là 10,5% ở các nước OECD.

Trong khi đó, quyết định hạ trần tỷ lệ đóng góp của người sử dụng lao động đã và đang làm trầm trọng thêm vấn đề doanh thu quỹ hưu trí giảm. Cụ thể, tổng doanh thu của chương trình hưu trí đô thị giảm 1,5 nghìn tỷ NDT (210 tỷ USD), tương đương 28%. Tổng doanh thu của các chương trình hưu trí của Trung Quốc giảm 13,3%, trong khi chi tiêu tăng 5,5%, khiến hệ thống hưu trí ghi nhận mức thâm hụt hàng năm đầu tiên vào năm 2020.

Cùng lúc đó, hệ thống lương hưu của Trung Quốc đang phải đối mặt với căng thẳng khi nền kinh tế Trung Quốc phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch và thị trường lao động yếu đã dẫn đến việc đóng góp lương hưu giảm và chi trả phúc lợi cao hơn.

Những công việc lương cao với tiềm năng thăng tiến trong sự nghiệp đang giảm dần khi các công ty đa quốc gia thực hiện các kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Một thách thức khác đối với các doanh nghiệp là tình trạng thế hệ lao động Gen Z của Trung Quốc (những người sinh sau 1990) không muốn nhận những công việc lương thấp mà họ quá đủ tiêu chuẩn hoặc đang bỏ những công việc có mức độ căng thẳng cao ở các công ty để chuyển sang những công việc lao động nhẹ nhàng nhưng lương thấp hơn. Sự kết hợp của những yếu tố này đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc cao kỷ lục, dẫn đến sự phụ thuộc lớn hơn vào hệ thống lương hưu với ít người hưởng lương hơn và giảm đóng góp lương hưu.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn