Cuộc đua xe điện: Châu Âu chững lại, Đông Nam Á bùng nổ


Thị trường xe điện châu Âu suy giảm, trong khi Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nổi lên với tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách hỗ trợ và đầu tư lớn.

Doanh số bán xe điện của các công ty châu Âu đồng loạt suy giảm.
Doanh số bán xe điện của các công ty châu Âu đồng loạt suy giảm.

Sự đối lập của các thị trường

Doanh số bán xe điện của các hãng châu Âu trong tháng 7/2024 đồng loạt suy giảm do nhiều yếu tố quan trọng. Theo báo cáo của Bank of America, các hãng xe lớn như Stellantis, Volkswagen và Mercedes-Benz đều mất thị phần đáng kể. Cụ thể, thị phần của Stellantis giảm xuống còn 2,7%, Volkswagen còn 6,6% và Mercedes-Benz chỉ còn 1,9%. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự cạnh tranh khốc liệt trong phân khúc xe điện, đặc biệt là từ các đối thủ quốc tế. Bên cạnh đó, việc hết hạn trợ cấp của chính phủ Đức dành cho xe điện từ tháng 9/2023 đã khiến doanh số sụt giảm, làm tăng thêm khó khăn cho các hãng xe trong việc giữ vững thị phần.

Ngoài ra, chi phí để sở hữu xe điện vẫn là một rào cản lớn đối với người tiêu dùng. Dù chi phí vận hành xe điện thường thấp hơn, giá mua ban đầu lại cao hơn so với xe động cơ đốt trong, khiến người tiêu dùng lưỡng lự trong việc chuyển đổi. Tại Đức, giá xe điện hiện vẫn cao hơn khoảng 20% so với xe động cơ đốt trong, ngay cả khi đã được hưởng ưu đãi. Điều này làm hạn chế sự phổ biến của xe điện tại thị trường châu Âu, đặc biệt khi người tiêu dùng cân nhắc giữa chi phí trả trước và lợi ích lâu dài.

Đối lập với châu Âu, báo cáo "Triển vọng xe điện Đông Nam Á năm 2024" của BloombergNEF vẫn lạc quan về việc Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm xe điện toàn cầu. Dự báo cho năm 2040, Singapore sẽ dẫn đầu khu vực với 80% xe chở khách là xe điện, tiếp theo là Thái Lan với 41%, Việt Nam 31%, Indonesia 25%, Malaysia 15% và Philippines 10%. Mức trung bình của khu vực Đông Nam Á được dự báo là 24%.

Hiện tại, thị trường xe điện tại các nước Đông Nam Á đang có những bước tiến khác nhau. Singapore có tỉ lệ sử dụng xe điện cao nhất vào năm 2023, với 19% tổng số xe tiêu thụ là xe điện. Thái Lan và Indonesia cũng đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực này, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt về hạ tầng trạm sạc. Singapore có mật độ trạm sạc xe điện cao nhất, với tỷ lệ 1 trạm sạc cho 3 xe điện. Trong khi đó, Thái Lan có 1 trạm sạc cho mỗi 16 xe, Malaysia có 1 trạm sạc cho 38 xe và Indonesia có 1 trạm sạc cho mỗi 42 xe điện.

Các chuyên gia cho rằng Đông Nam Á đang trên đường trở thành trung tâm xe điện toàn cầu, nhưng sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia do khác biệt về chính sách hỗ trợ và hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống trạm sạc và cơ chế sở hữu xe điện.

Thị trường xe điện Việt bắt đầu “nóng”

Là một trong những thị trường trọng điểm, xe điện tại Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ, không còn gói gọn trong phân khúc giá rẻ khi các dòng xe điện cao cấp dần chiếm lĩnh thị trường. Theo nghiên cứu của Mordorintelligence, quy mô thị trường xe điện Việt Nam được dự báo đạt 2,48 tỷ USD vào năm 2024 và sẽ tăng lên 5,67 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 18% trong giai đoạn 2024-2029.

Trong trung hạn, sự gia tăng nhu cầu đối với các loại xe có hiệu suất cao, tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải, cùng với sự giảm giá của pin và các quy định về khí thải nghiêm ngặt hơn, sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Ngoài ra, các biện pháp của chính phủ nhằm loại bỏ dần xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch cũng tạo điều kiện cho xe điện trở nên phổ biến hơn.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự ưa chuộng công nghệ tiên tiến, đặc biệt từ nhóm dân số trẻ, là những yếu tố khác hỗ trợ đà tăng trưởng này. Nhu cầu đối với xe điện cũng nhận được sự quan tâm từ các công ty vận tải khi nhiều doanh nghiệp chuyển sang sử dụng xe điện nhằm tiết kiệm chi phí và giảm tác động đến môi trường.

Sự phổ biến của các công nghệ tiên tiến như xe tự lái và giao tiếp giữa các xe (V2V), cùng với các quy định mới về an toàn và phát thải, đã thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô chuyển dịch mạnh mẽ sang xe điện chạy bằng pin (BEV). Các nhà sản xuất lớn đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất, giúp xe điện có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn tới.

Chính phủ Việt Nam cũng đang khuyến khích việc sử dụng xe điện bằng các chính sách ưu đãi. Xe điện được miễn lệ phí trước bạ đến 28/2/2025, sau đó sẽ phải chịu 50% so với xe chạy xăng . Những chính sách này giúp giảm chi phí sở hữu xe điện, khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi và hướng tới mục tiêu giảm ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính.

Nhờ những nỗ lực từ chính phủ và doanh nghiệp, xe điện ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trong giai đoạn 2024-2029, đồng thời đóng góp vào một tương lai giao thông sạch và bền vững.

Theo Thanh Trà/Diendandoanhnghiep.vn