Cổ phiếu dệt may: Chưa yên tâm dài hạn

Theo Thời báo Ngân hàng

Do các thị trường xuất khẩu chính, đặc biệt là EU bị thu hẹp nên ngành dệt may phải đối mặt với những khó khăn nhất định.

Cổ phiếu dệt may: Chưa yên tâm dài hạn
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Vấn đề gây đau đầu bấy lâu nay đối với các doanh nghiệp và nhà quản lý ngành Dệt May là Việt Nam vẫn bị phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài với trị giá nguyên phụ liệu nhập khẩu thường chiếm gần 70-80% so với giá trị kim ngạch xuất khẩu. Do đó kết quả kinh doanh phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến giá nguyên liệu nhập khẩu.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu dệt may trong năm 2012 chỉ tăng 7,5% so với năm 2011. Do kinh tế khó khăn tại các thị trường xuất khẩu chính nên tăng trưởng đã chậm lại so với các năm trước. Theo các DN dệt may, tuy là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn của thế giới, nhưng các DN Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công xuất khẩu cho phía nước ngoài nên lợi nhuận không cao.

Hơn thế nữa, do các thị trường xuất khẩu chính, đặc biệt là EU bị thu hẹp nên ngành dệt may phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Chi phí đầu vào tiếp tục tăng và sự mất giá của đồng Euro tạo ra chênh lệch tỷ giá giữa đồng Euro và USD khiến không ít DN xuất khẩu dệt may sụt giảm lợi nhuận.

Tuy nhiên, thống kê của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho thấy, 8 DN trong ngành đang niêm yết nhìn chung vẫn duy trì được kết quả kinh doanh khá tốt so với năm 2011. Đáng chú ý, gần như trong cả năm 2012, chỉ số giá cổ phiếu ngành dệt may theo khá sát diễn biến thị trường. Ngành cũng có mức tăng khá tốt khi thị trường đã tăng mạnh trong 2 tháng đầu tiên của năm. So với đầu năm, chỉ số bình quân giá cổ phiếu ngành dệt may tính đến ngày 28/12/2012 đã tăng 30%.

Dẫu vậy, cổ phiếu ngành dệt may cũng có thanh khoản thấp giống như nhiều cổ phiếu các ngành khác trên thị trường, chiếm 0,6% tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch chủ yếu tập trung vào ba mã cổ phiếu là TNG , KMR và TCM . Tuy nhiên những cổ phiếu có tính thanh khoản nhất của ngành dệt may không phải là những DN có kết quả kinh doanh tốt nhất ngành dệt may và chỉ có mức lợi nhuận ở mức thấp.

Trong năm 2013, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng 10 – 15%. Sang tháng 1/2013, tăng trưởng đã khả quan hơn khi kim ngạch đạt 1,59 tỷ USD, tăng 17,5% so với tháng 12/2012. Và theo thông tin từ các DN thì hiện họ đã có đơn hàng cho quý I, thậm chí một số đã có cho quý II. Tuy vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia, điều này không dễ đạt được.

Ông Phạm Xuân Hồng - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã chỉ ra 3 cái khó của ngành dệt may hiện nay. Thứ nhất, đơn hàng nhỏ, giá cả cạnh tranh quyết liệt. Thứ hai, các chi phí đều tăng từ giá điện, vận chuyển, nguyên phụ liệu, đến chi phí đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng. Thứ ba, đời sống người lao động khó khăn, DN phải cố gắng không giảm lương để giữ chân họ.

Vấn đề gây đau đầu bấy lâu nay đối với các DN và nhà quản lý ngành dệt may là Việt Nam vẫn bị phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài với trị giá nguyên phụ liệu nhập khẩu thường chiếm gần 70-80% so với giá trị kim ngạch xuất khẩu. Do đó kết quả kinh doanh phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến giá nguyên liệu nhập khẩu.

Với tình hình kinh tế khó khăn của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, theo quan điểm của các nhà phân tích tại BSC, trong năm 2013 triển vọng các công ty trong ngành dệt may là không lạc quan. Mặc dù doanh thu ngành dệt may dự báo vẫn có sự tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng sẽ không còn cao như thời kỳ trước. Trong khi đó, mức tăng lợi nhuận cũng không cao và có khả năng giảm nên không hấp dẫn cho mục đích đầu tư dài hạn trong năm 2013.

Tuy nhiên, nếu thị trường tăng trưởng tốt cộng với số liệu xuất khẩu dệt may tăng tốt hơn kế hoạch, thì ngành dệt may cũng có cơ hội để trading/đầu tư ngắn hạn. Một số mã có thể xem xét đầu tư ngắn hạn gồm TCM, EVE, TNG khi thị trường bước vào giai đoạn tăng trưởng.