Cổ phiếu dệt may khó 'ấm' trong quý cuối năm?
Tiềm năng tăng giá của cổ phiếu dệt may trong những tháng cuối năm 2023 được đánh giá phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi của thị trường xuất khẩu cũng như khả năng kiểm soát mức tồn kho của các thương hiệu. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý III của của các doanh nghiệp dệt may vẫn cho thấy sự suy giảm.
Sau giai đoạn tăng trưởng lạc quan, lĩnh vực xuất khẩu chứng kiến sự chùng xuống kéo dài từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Đây là hệ quả do ảnh hưởng từ hàng loạt yếu tố như xung đột Nga - Ukraine kéo dài, căng thẳng địa chính trị, lạm phát, sức tiêu thụ giảm...
Kỳ vọng vào quý IV
Tuy nhiên, từ giữa năm 2023, nhiều dấu hiệu tích cực đã dần quay trở lại. Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 6,9% so với tháng 7. Giá trị xuất khẩu 32,37 tỷ USD cũng là mức cao nhất trong 12 tháng.
Cùng với thuỷ sản, dệt may là ngành đóng vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Mặc dù bối cảnh chung của thị trường dệt may và kinh tế thế giới vẫn đặt ra những thách thức cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, nhưng sự cải thiện đáng kể về kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 8 (4,06 tỷ USD – cao hơn mức bình quân chung theo tháng của năm 2022 là 3,72 tỷ USD), đơn hàng bắt đầu dần quay trở lại trong những tháng cuối năm, cho thấy tín hiệu tích cực.
"Lần đầu tiên, May 10 nhận đơn hàng sản xuất cho các thương hiệu khách hàng ở Thái Lan và Philippines. Tất nhiên, lượng đặt hàng khó so sánh được với quy mô của thị trường Mỹ và châu Âu nhưng điều này cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường trên toàn cầu", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 (M10) chia sẻ.
Cùng với đó, các yếu tố kinh tế trong nước cũng ủng hộ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nói riêng. Đó là lãi suất cho vay tiếp tục giảm, các doanh nghiệp có cơ hội tận dụng nguồn tín dụng giá rẻ hơn so với thời điểm đầu năm để đáp ứng nhu cầu vốn và gia tăng đầu tư sản xuất. Đồng thời, tỷ giá VND/USD bắt đầu có lợi cho xuất khẩu từ tháng 7.
Giới phân tích cho rằng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm chạm đáy, có một số tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ phục hồi vào quý IV nhờ tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã về đáy. Động lực hồi phục còn đến từ sự gia tăng làn sóng chuyển dịch sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam.
“Các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý IV/2023”, SSI Research kỳ vọng.
Ngóng quay lại quỹ đạo tăng trưởng
Không chỉ đóng vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu, trên sàn chứng khoán, dệt may cũng là nhóm cổ phiếu có số lượng lớn mã được niêm yết trong nhóm cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo quan sát, từ tháng 4, hàng loạt cổ phiếu dệt may đã ghi nhận diễn biến tích cực. Đáng chú ý, trong giai đoạn từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10, trong khi thị trường gặp sức ép gia tăng nhưng dòng tiền vẫn “nhớ” đến nhóm cổ phiếu ngành dệt may.
Điển hình, phiên 21/9, cổ phiếu TNG (Đầu tư và Thương mại TNG) đạt 22.300 đồng/cp - mức cao nhất trong 12 tháng. Sau đó, cổ phiếu này có xu hướng điều chỉnh giảm dần. Chốt phiên 3/11, cổ phiếu TNG dừng ở mức 18.400 đồng/cp, giảm gần 17,5% so với mức đỉnh vừa đạt được.
Thậm chí, đà tăng giá của cổ phiếu HTG (Dệt may Hoà Thọ) còn kéo dài từ tháng 4 cho đến phiên 16/10, dừng ở mức 33.000 đồng/cp rồi mới điều chỉnh giảm. Với mức giá này, cổ phiếu HTG đã tăng hơn 12% sau hơn một tháng và tăng khoảng 50% kể từ đầu năm.
Cũng kéo dài đến giữa tháng 10, cổ phiếu MSH (May Sông Hồng) đạt 45.600 đồng/cp (phiên 13/10). So với thời điểm đầu năm nay, thị giá MSH đã tăng khoảng 45%.
Về mặt định giá, VDSC cho biết cổ phiếu của các công ty dệt may hiện đang giao dịch ở mức P/E trượt cao hơn đáng kể so với mức trung bình quá khứ (trung bình từ thời điểm niêm yết). Do đó, sự kỳ vọng về triển vọng phục hồi đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu. Tiềm năng tăng giá của cổ phiếu dệt may trong nửa cuối năm 2023 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi của thị trường xuất khẩu cũng như khả năng kiểm soát mức tồn kho của các thương hiệu.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý III của của các doanh nghiệp dệt may cho thấy vẫn suy giảm, đi ngược đi vọng của thị trường. Kéo theo đó, 9 tháng đầu năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều báo lãi tăng trưởng âm so với cùng kỳ, thậm chí báo lỗ nặng.
Mới nhất, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) báo cáo luỹ kế 9 tháng đầu năm ghi nhận tổng doanh thu thuần 12.186 tỷ đồng và lãi trước thuế 288 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 76% so với cùng kỳ.
Trước đó, CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) báo lãi 9 tháng đầu năm 2023 sụt giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2022, còn lại 111 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp dệt may khác là CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cũng cài "số lùi" về cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần đạt 1.073 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt gần 56 tỷ, lần lượt giảm tới 36% và 72% so với cùng kỳ năm 2022.
Hay như Tổng công ty Việt Thắng (TVT) ghi nhận khoản lợi nhuận giảm sâu, 9 tháng lãi vỏn vẹn 6 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 cùng kỳ năm trước.
Tương tự, CTCP Garmex Sài Gòn (mã: GMC) báo lỗ sau thuế 44 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ gần 7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (HSM) còn chuyển từ lãi 23 tỷ cùng kỳ năm trước thành lỗ 55 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Thậm chí, Gilimex (GIL) lỗ ròng hơn 63 tỷ, trong khi 9 tháng đầu năm ngoái lãi gần 352 tỷ đồng.
Nếu chỉ tính riêng quý III/2023, đa phần doanh nghiệp dệt may ghi nhận lãi sụt giảm chủ yếu từ 20% đến 50%. Trong đó, Sợi Thế Kỷ giảm lãi tới 67%, Vinatex giảm 54% đồng thời ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận suy giảm.
Có phần ảm đạm hơn, Gilimex ghi nhận lỗ ròng hơn 19 tỷ đồng trong quý III/2023, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 128 tỷ, đánh dấu quý thứ 3 lỗ liên tiếp. Đối với Garmex Sài Gòn, chuỗi thua lỗ kéo dài lên con số 5 quý, ghi nhận lỗ 11 tỷ trong quý III vừa qua.
Nguyên nhân khiến hầu hết các công ty trong ngành báo lãi tăng trưởng âm phần lớn do xuất khẩu bị thu hẹp, đơn hàng khan hiếm.
Thống kê trong quá khứ, khi lượng hàng tồn kho quần áo ở Mỹ đạt đỉnh điểm vào tháng 1/2007, thị trường phải mất 2 năm để hấp thụ lượng hàng tồn kho, sau đó mới phục hồi trở lại vào tháng 12/2009.
Do đó, Chứng khoán VNDirect dự báo nhu cầu cho các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ quý I/2024 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn.
Đồng thời, việc nhu cầu tăng cao trong mùa lễ hội cuối năm sẽ giúp thúc đẩy việc bán hàng và hấp thụ bớt lượng hàng tồn kho đang ở mức cao, tạo dư địa cho các đơn hàng mới để phục vụ cho mùa xuân-hè 2024.