Gam màu sáng cho bức tranh lợi nhuận ngành Dệt may cuối năm 2023
Xu hướng cải thiện số lượng đơn đặt hàng may mặc cùng một số lợi thế cạnh tranh xuất khẩu mang lại kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương cho ngành Dệt may quý IV/2023 và phục hồi hoàn toàn năm 2024.
Triển vọng cuối năm
Theo báo cáo của Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), trong tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD (giảm 9% so với cùng kỳ), nhưng đã có sự cải thiện so với mức giảm 17% trong nửa đầu năm 2023. Tháng 7/2023 ghi nhận giá trị xuất khẩu theo tháng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Kim ngạch xuất khẩu của Ngành trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2023 đạt 22,8 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 8,7 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản lần lượt đạt 2,7 tỷ USD (giảm 10% so với cùng kỳ) và 2,2 tỷ USD (tăng 4% so với cùng kỳ). Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước năm 2023 sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD trong năm 2023 (giảm 10% so với cùng kỳ).
Trong khi các đơn đặt hàng dự kiến sẽ phục hồi trong quý IV/2023, Vinatex cho rằng, sự phục hồi sẽ chậm do chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu cần có thời gian để phục hồi. SSI Research ước tính, giá bán bình quân sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp (thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022) và chỉ cải thiện nhẹ so với cùng kỳ đối với đơn hàng FOB.
Biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.
Hơn nữa, Vinatex dự kiến xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024. Trong nửa cuối năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước kỳ vọng các đơn đặt hàng trong quý III/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý II/2023 và sau đợt giảm giá mạnh trong các kỳ nghỉ lễ của quý IV/2023, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện.
Hầu hết các công ty đều đã ghi mức nền kết quả kinh doanh thấp trong quý IV/2022, do đó, SSI Reseach tin rằng, các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý IV/2023.
Thống kê trong quá khứ, khi lượng hàng tồn kho quần áo ở Mỹ đạt đỉnh điểm vào tháng 1/2007, thị trường phải mất hai năm để hấp thụ với lượng hàng tồn kho sau đó mới phục hồi trở lại vào tháng 12/2009.
SSI Research cho biết, cổ phiếu ngành Dệt may đang giao dịch ở mức P/E năm 2023 và 2024 lần lượt là 11x và 9x. Hầu hết các công ty đều kỳ vọng doanh thu trong quý III/2023 sẽ tương đương mức của quý II/2023 nhưng dự kiến cải thiện so với quý trước trong quý IV/2023. Các công ty trong ngành sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng dương trong 3 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, theo SSI Research, kết quả kinh doanh quý xấu nhất đã được phản ánh vào giá và nhà đầu tư chứng khoán có thể kỳ vọng sự phục hồi của ngành trong năm 2024. Công ty chứng khoán này lựa chọn 2 cổ phiếu ưa thích trong ngành bao gồm: STK của CTCP Sợi Thế Kỷ và MSH của CTCP May Sông Hồng.
Cơ hội cạnh tranh xuất khẩu
Do nền kinh tế toàn cầu suy thoái, áp lực lạm phát và mức tồn kho cao trong nửa đầu năm 2022, các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn khác đã ghi nhận mức xuất khẩu giảm hơn 20% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023. Duy nhất chỉ có Bangladesh là quốc gia ghi nhận mức tăng 4% trong nửa đầu năm 2023.
Theo khảo sát của các nhà bán lẻ lớn, mặc dù Việt Nam được đánh giá cao hơn Bangladesh về chất lượng và năng lực sản xuất, nhưng Bangladesh có lợi thế về chi phí, thuế và các khoản trợ cấp của Chính phủ (từ hải quan đến trợ cấp lãi suất).
Bangladesh nằm trong số 45 quốc gia đang phát triển hiện được miễn thuế vào châu Âu. Trong khi Việt Nam được hưởng lợi từ EVFTA, quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt đối với vải trở đi (các sản phẩm may mặc xuất khẩu phải được sản xuất từ vải sản xuất tại Việt Nam) là một trở ngại cho ngành, cụ thể là 70% vải được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong thời kỳ nền kinh tế suy thoái, chi phí là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi các nhà bán lẻ lựa chọn nhà sản xuất. Mức lương tối thiểu ở Bangladesh hiện là 75 USD/tháng, trong khi mức lương tối thiểu ở Việt Nam và Trung Quốc lần lượt là 199 USD/tháng và 300 USD/tháng.
Đáng chú ý, trong năm 2022, tỷ giá USD/BDT giảm 17% so với tỷ giá USD/VND giảm 3,5%. Theo đó, xuất khẩu của Bangladesh trở nên cạnh tranh hơn so với Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục được xếp hạng cao hơn về chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và thời gian giao hàng. Đây là những yếu tố quan trọng đối với các nhà bán lẻ khi nền kinh tế phục hồi và nhu cầu gia tăng.
Trong quý II/2023, hầu hết các công ty niêm yết trong ngành Dệt may đều ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng giảm đáng kể, với biên lợi nhuận thu hẹp so với năm trước.
Cụ thể, TNG và TCM ghi nhận mức biên lợi nhuận gộp giảm lần lượt là -380 và -320 điểm cơ bản, đồng thời lợi nhuận ròng giảm 37% và 96% so với cùng kỳ. MSH khả quan hơn một chút với biên lợi nhuận gộp giảm 230 điểm cơ bản và lợi nhuận ròng giảm 2% so với cùng kỳ.