Cổ phiếu ngân hàng đã về mức giá hấp dẫn?
Giá cổ phiếu các ngân hàng hiện đã điều chỉnh khoảng 15% từ mức đỉnh và phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch hiện nay.
Tín dụng đang tăng chậm lại
Mặc dù tín dụng đã tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm, tuy nhiên từ tháng 7, khi số lượng ca nhiễm mỗi ngày tăng cao và việc giãn cách xã hội quyết liệt hơn được áp dụng ở nhiều thành phố lớn, tốc độ tăng trưởng đã có sự chững lại.
Số liệu trước đó của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến cuối tháng 3 đạt 2,95% so với đầu năm và tăng lên mức 6,44% đến cuối tháng 6, cao gần gấp đôi so với mức tăng 3,65% của cùng kỳ 6 tháng năm 2020.
Tuy nhiên, đến tháng 7 và 8, khi nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện mạnh biện pháp giãn cách xã hội, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng thêm 0,9%, nâng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên 7,4% đến cuối tháng 8.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN) cho rằng, tăng trưởng tín dụng tháng 8 có xu hướng chậm lại và dự kiến tháng 9 cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và thực hiện hiện giãn cách xã hội. NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh trong 3 tháng cuối năm nay.
Trong khi đó, trong một báo cáo mới ra, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect đã hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành cho năm 2021 từ mức 13% xuống còn 10 - 12% do đánh giá cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay.
Ở kịch bản cơ sở, nhóm phân tích kỳ vọng số lượng ca nhiễm mỗi ngày sẽ giảm và việc đi lại sẽ được nới lỏng vào cuối tháng 9. Nhờ vậy, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại vào cuối quý 4/2021.
Cùng với đó, nhóm phân tích lạc quan một cách thận trọng về triển vọng trong năm 2022 vì tin rằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng khi tiêu dùng trong nước dần hồi phục sau đại dịch.
Đã đến lúc tích lũy cổ phiếu ngân hàng?
Bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm 2021 của ngành ngân hàng rõ ràng sẽ chịu tác động lớn từ đợt bùng phát hiện tại, do đó thị trường chủ yếu sẽ nhìn vào triển vọng lợi nhuận năm 2022.
Những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại. Và theo VNDirect, ngành ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Về phương diện dòng tiền, theo VNDirect, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng ổn định từ đầu năm đến nay trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp, thị trường chứng khoán đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư cá nhân.
Các chuyên gia cho rằng, xu hướng này sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2022, được thể hiện thông qua sự tăng trưởng số lượng tài khoản cá nhân mở mới trong 2 tháng vừa qua. Với việc chiếm 1/4 giá trị vốn hóa thị trường, rõ ràng, ngành ngân hàng là một trong những ngành thu hút dòng vốn từ sự tham gia ngày càng tăng của nhà đầu tư cá nhân.
"Giá cổ phiếu các ngân hàng hiện đã điều chỉnh khoảng 15% từ mức đỉnh và phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát hiện nay, định giá trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư", VNDirect nhận định.
Dù vậy, các chuyên gia VNDirect cũng lưu ý, rủi ro chính đối với ngành ngân hàng hiện nay là việc áp dụng giãn cách xã hội do dịch Covid-19 lâu hơn dự kiến, hoặc một biến thể khác của chủng virus phát sinh có thể cản trở hoạt động kinh tế trở lại bình thường.
Điều này có thể khiến các ngân hàng ghi nhận trích lập dự phòng cao hơn và cầu tín dụng yếu hơn so với dự báo trong giai đoạn nửa sau 2021 và 2022. Một rủi ro khác là biên lãi thuần (NIM) giảm nhiều hơn dự báo do nhu cầu tín dụng bị suy yếu.
Theo chuyên gia, trong bối cảnh tín dụng phục hồi yếu, các ngân hàng có có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancassurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ là những ngân hàng chiếm ưu thế.
Bên cạnh đó, các ngân hàng có khả năng thúc đẩy vay cá nhân nên được chú ý bởi có thể có được lợi suất tài sản tốt hơn.
Ngoài ra, do lo ngại về khả năng nợ xấu tăng cao trong một vài quý tiếp theo, các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào sẽ là sự lựa chọn hợp lý.