Cổ phiếu VIP: Tiềm năng đầu tư ngắn hạn

Theo Báo Đầu tư

Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco (Vipco) vừa thay đổi nhân sự cấp cao, nhưng động thái này không gây xáo trộn lớn trong hoạt động của Công ty.

Cổ phiếu VIP: Tiềm năng đầu tư ngắn hạn
Từ ngày 1/11/2012, ông Nguyễn Đạo Thịnh đã thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vipco để nghỉ chế độ. Người thay thế vị trí ông Thịnh từ đầu tháng 11 này là ông Nguyễn Quang Kiên, hiện là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIP của Vipco có xu hướng đi xuống trong những phiên cuối tháng 10 và đầu tháng 11. Theo đó, sau phiên giao dịch ngày 30/10, giá cổ phiếu VIP giảm từ 6.200 đồng/cổ phiếu, xuống 6.000 đồng/cổ phiếu, giảm tiếp xuống 5.900 đồng/cổ phiếu sau phiên giao dịch 1/11 và giảm tiếp xuống 5.700 đồng/cổ phiếu vào phiên cuối tuần (2/11).

Mặc dù cổ phiếu VIP có xu hướng giảm giá, nhưng chủ yếu là do diễn biến chung của thị trường. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), VIP vẫn là cơ hội đầu tư ngắn hạn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Tiềm năng trung và dài hạn của VIP phụ thuộc vào Dự án cảng Nam Đình Vũ. VPBS cho rằng, liên doanh với một đối tác kinh nghiệm như Gemadept là khởi đầu tốt, nhưng vẫn cần theo dõi thêm hiệu quả của dự án này.

Về tình hình kinh doanh quý III/2012 của Vipco, lợi nhuận ròng trong quý III tuy giảm chút ít so với cùng kỳ năm trước, nhưng không nhiều, với hơn 7,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là 8 tỷ đồng. Tuy lợi nhuận giảm nhẹ, nhưng tình hình tài chính của Công ty vẫn tỏ ra khá lành mạnh. Đến hết tháng 9, tiền và các khoản tương đương tiền tăng gần 20% so với đầu năm, với gần 69 tỷ đồng, trong khi đầu năm, chỉ số này là hơn 59 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đã thu hẹp, chỉ còn hơn 1,3 tỷ đồng, giảm đáng kể so với đầu năm.

Trong vay nợ, Công ty cũng có các khoản phải trả người bán dài hạn và phải trả nội bộ dài hạn. Phần phải trả cho người bán ngắn hạn trên 17,3 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với con số mà người mua trả tiền trước (khoảng 83,8 tỷ đồng). Số liệu này cho thấy, Công ty đang tận dụng khá tốt nguồn tiền, không bị chiếm dụng vốn. Ngoài ra, tuy lợi nhuận ròng quý III giảm nhẹ, nhưng theo đánh giá của VPBS, rất có thể, Công ty sẽ có lợi nhuận đột biến trong quý IV/2012.

Cơ sở để VPBS đưa ra đánh giá trên là kỳ vọng vào khoản lợi nhuận do phần vốn góp bằng quyền sử dụng đất tại Công ty cổ phần Cảng Nam Hải – Đình Vũ. Theo đó, trong quý I/2012, Vipco đã góp vốn bằng quyền sử dụng đất Cảng Container – VIP diện tích 15 ha vào công ty này. Giá vốn của Vipco tại phần quyền sử dụng đất trên là 100 tỷ đồng, trong khi tài sản đã được định giá là 260 tỷ đồng. Do phần chênh lệch này chưa được hạch toán vào lợi nhuận của Công ty nên nhiều khả năng, Vipco sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận trên trong quý IV khi nhận đủ tiền.

Cụ thể, với giá trị chuyển nhượng cảng cho liên doanh là 260 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT), Vipco sẽ được liên doanh trả lại 140 tỷ đồng sau khi trừ đi 120 tỷ đồng vốn góp. Báo cáo tài chính quý III cho thấy, Công ty đã nhận được khoảng 50% số tiền, phần còn lại có thể sẽ được nhận nốt trong quý IV/2012, khi đó Vipco sẽ đủ cơ sở để ghi nhận khoản lợi nhuận khoảng 120 tỷ đồng trong quý IV. Như vậy, nếu khoản tiền trên được hạch toán vào lợi nhuận trong quý IV/2012, cùng với lợi nhuận 9 tháng trên 40 tỷ đồng, Vipco sẽ đạt lợi nhuận sau thuế trong năm 2012 là 180 tỷ đồng, tương đương mức thu nhập trên cổ phiếu (EPS) là 3.034 đồng/cổ phiếu.