Cơ quan chuyên trách giải quyết nợ xấu?

Tự Cường (Người Đại biểu Nhân dân)

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu của Việt Nam hiện ở mức 8,82% tổng mức tín dụng của nền kinh tế, tương đương khoảng 250 nghìn tỷ. Nợ xấu đang cản trở làm cho tín dụng không đến được doanh nghiệp, gia tăng nguy cơ làm mất ổn định hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xử lý nợ xấu là việc làm cấp bách nhất hiện nay, đòi hỏi sự vào cuộc của cả nền kinh tế với một quyết tâm chính trị cao và lộ trình cụ thể, rõ ràng với nhiều giải pháp đồng bộ thông qua một cơ quan chuyên trách đủ tầm và đủ quyền thực hiện.

Cơ quan chuyên trách giải quyết nợ xấu?
Ảnh minh họa

Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ dẫn số liệu từ NHNN trong phiên trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội ngày 14/11 cho biết, nợ xấu của Việt Nam tại thời điểm thanh tra là 8,82% tổng mức tín dụng của nền kinh tế, tương đương khoảng 250 nghìn tỷ, trong đó 73% số nợ có tài sản bảo đảm. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại đều đưa ra con số nợ xấu vào khoảng 4-6%. Còn theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế, nợ xấu Việt Nam rơi vào khoảng 13-15%. TS. Võ Trí Thành nhận định, các con số này không mẫu thuẫn nhau mà nó được đánh giá dựa trên các tiêu trí đánh giá khác nhau. Việc con số nợ xấu của các ngân hàng thương mại đưa ra thấp hơn so với con số của NHNN có thể là do dưới áp lực của cổ đông, các ngân hàng này đã có những “thủ thuật” để làm đẹp các con số.

Đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, để giải quyết nợ xấu, trước hết NHNN phải công khai rõ ràng, chân thực, hiện nay nợ xấu, theo tiêu chuẩn Việt Nam là bao nhiêu. Không có chuyện, ngân hàng thương mại nói 4%, NHNN nói 8%. Đồng thời, làm rõ nợ xấu tồn tại ở những khu vực nào, lĩnh vực nào, thực chất là bao nhiêu. Sau khi công khai rõ ràng và đúng sự thực con số nợ xấu, cần phải có quy định yêu cầu các ngân hàng thương mại phải trích lập quỹ dự phòng nợ xấu. Mặt khác, phải có sự giám sát độc lập, chặt chẽ quá trình giải quyết nợ xấu cũng như có chế tài rất mạnh xử lý các ngân hàng dấu nợ xấu theo tiêu chuẩn Việt Nam quy định.
 
Cho rằng việc giải quyết nợ xấu là một vấn đề hệ trọng của Chính phủ và nền kinh tế hiện nay, đồng thời nó đồng hành với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc hệ thống tài chính, các ngân hàng thương mại, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đề nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu nền kinh tế do Thủ tướng đứng đầu. Cơ quan này sẽ đứng ra soạn thảo một chương trình tái cơ cấu rõ ràng, khoa học, phù hợp với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đồng thời, ủy ban này sẽ đứng ra thực hiện công cuộc tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu DNNN tái cơ cấu ngân hàng, trong đó có giải quyết nợ xấu. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tự thân các ngân hàng thương mại không giải quyết được nợ xấu. Một tổ chức như vậy mới đủ tầm và sức mạnh để thực hiện công việc.

Chung nhận định cần phải thành lập cơ quan chuyên trách để giải quyết nợ xấu, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần thành lập một Ủy ban giải quyết nợ xấu bao gồm đại diện của NHNN, các bộ Tài chính, Xây dựng, Công thương, Công an hoạt động dưới sự giám sát độc lập của các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội. Ủy ban giải quyết nợ xấu này sẽ hình thành một Công ty mua bán nợ.

Các bước giải quyết nợ xấu sẽ bao gồm đo lường con số nợ xấu và các mối ràng buộc, quan hệ của nó. Tiếp đó cơ quan này sẽ thẩm định lại tài sản thế chấp cầm cố có đủ bảo đảm cho nợ xấu này không. Việc thẩm định thông qua việc bán đấu giá tài sản thế chấp, nếu không đơn vị nào mua lại tài sản thế chấp đó thì Công ty mua bán nợ sẽ ứng vốn hoặc mua nợ lại tài sản đó. Bước tiếp theo, xác định phần chênh lệch giữa dư nợ và tài sản thế chấp. Nguồn bù đắp thiệt hại chênh lệch này có thể huy động từ nguồn vốn dự phòng của các ngân hàng; từ vốn điều lệ của các ngân hàng và nguồn vốn tự có của các chủ thể có liên quan, cụ thể là người bảo lãnh, người đi vay thì phải chịu trách nhiệm liên đới nợ xấu. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành xử lý nợ xấu. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân dự đoán, nếu tập trung xử lý nợ xấu ngay lập tức thì hết quý II/2013, kinh tế Việt Nam sẽ có chuyển biến tích cực, và có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5 % như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
 
Đánh giá nợ xấu Việt Nam đang là "khối u" cần sớm được cắt bỏ, đặc biệt nó vẫn đang tiếp tục phình to đè nặng nền kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng xử lý nợ xấu cần phải có một chế định, định chế này phải gắn với một khung khổ pháp lý đầy đủ sức lực và quyền hạn thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nợ ngân hàng của nước ta chưa phát triển và vấn đề lợi ích nhóm còn tồn tại. Gắn với định chế này là một cơ chế minh bạch thông tin, cũng như cơ chế giám sát, hỗ trợ thực hiện. Khó khăn nhất là vấn đề ứng xử với áp lực xã hội, vấn đề giải trình minh bạch. Hành động xử lý nợ xấu quyết liệt sẽ lấy lại niềm tin cho thị trường sản xuất kinh doanh và thị trường tài chính. Cũng theo TS. Võ Trí Thành, việc xử lý nợ xấu cũng cần được tiến hành đồng bộ và đồng thời với quá trình tái cấu trúc các ngân hàng thương mại, mà trước mắt cần quyết liệt xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém.
 
Hiện tại, một bản kế hoạch xử lý nợ xấu cũng đã được xây dựng và sẽ sớm được banh hành. Các chuyên gia đều hy vọng những điểm tích cực từ bản kế hoạch chương trình này sẽ lấy lại niềm tin cho thị trường tài chính và giúp phục hồi nền kinh tế quốc gia. Việc tập trung và kiên quyết xử lý nợ xấu sẽ giúp tình hình tài chính của Việt Nam lành mạnh hơn. Các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư cho sản xuất kinh doanh, ngân hàng thu hồi được nợ và sẽ có nhiều hơn những gói tín dụng cho vay. Khi đó, tổng vốn đầu tư xã hội tăng trở lại, kinh tế tăng trưởng và việc làm cho người lao động được giải quyết.