Việc sửa đổi Luật Hải quan xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng; Tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hải quan; Áp dụng rộng rãi hải quan điện tử, đáp ứng tốt yêu cầu của cải cách thủ tục hải quan (TTHQ), cải cách hiện đại hóa hải quan theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả hơn. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, chống buôn lậu và gian lận thương mại, thu hút đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, những điểm nhấn căn bản của Luật được thể hiện trên các vấn đề sau:
Một là, thay đổi căn bản phương thức thực hiện TTHQ từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử. Luật đã quy định việc khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, việc khai trên tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể, do Chính phủ quy định (Điều 29); Việc kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc trực tiếp bởi công chức hải quan (Điều 31).
Cùng với đó, thực hiện TTHQ bằng phương thức điện tử, điểm a Khoản 3 Điều 25 Luật Hải quan quy định đối với trường hợp khai hải quan điện tử, người khai hải quan nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa. Luật cũng quy định cụ thể về địa điểm đăng ký tờ khai (khoản 2 Điều 22), phương thức đăng ký tờ khai, thời điểm đăng ký tờ khai (Điều 30) phù hợp với từng phương thức thực hiện TTHQ. Đồng thời, để đồng bộ với các quy định về TTHQ điện tử, Luật Hải quan còn bổ sung các quy định liên quan đến TTHQ cho các loại hình hàng hóa gia công, nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, chế xuất; Một số loại hình tạm nhập, tái suất... nhằm bảo đảm tính minh bạch và triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin.
Hai là, Luật tạo cơ sở để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan thông qua các quy định về hồ sơ hải quan, thời hạn cơ quan hải quan làm TTHQ, quản lý hải quan đối với hàng hóa gia công, nhập sản xuất xuất khẩu (Điều 23, Điều 24, Điều 60).
- Để giảm bớt giấy tờ phải nộp không cần thiết cho cá nhân, tổ chức khi làm TTHQ, tại Điều 24 dự thảo Luật đã đưa ra quy định chung thống nhất về hồ sơ hải quan theo hướng đơn giản hóa, chỉ có tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm TTHQ, đối với các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan như: Hóa đơn thương mại; chứng từ vận tải; hợp đồng mua bán hàng hóa; giấy phép XNK hoặc kết quả kiểm tra chuyên ngành phải nộp hoặc xuất trình theo quy định của pháp luật liên quan.
- Về thời hạn làm TTHQ: Tại Điều 23 của Luật đã quy định rõ công chức hải quan kiểm tra hồ sơ chậm nhất 2 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan; thời gian kiểm tra thực tế hàng hoá là 8 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hoá cho cơ quan hải quan (Luật hiện hành là 02 ngày làm việc); Trường hợp cần thiết phải gia hạn thì thời gian gia hạn tối đa không quá 2 ngày.
- Về TTHQ đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu: Tại khoản 1 Điều 59 Luật Hải quan quy định, đây là đối tượng chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng. Theo đó, việc quản lý, theo dõi hàng hóa không thực hiện trên cơ sở thanh khoản từng tờ khai như hiện nay mà thực hiện trên cơ sở lượng hàng hóa nhập – xuất – tồn. Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất; Năng lực gia công, sản xuất; Việc sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; Việc quyết toán, quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu (Điều 59).
Ba là, Luật cũng quy định tạo cơ sở pháp lý áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan; Có chế độ ưu tiên, tạo thuận lợi về TTHQ cho DN đáp ứng đủ điều kiện (Điều 16, Điều 17, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41).
Luật Hải quan quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Theo đó, cơ quan hải quan sẽ áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải; Hỗ trợ hoạt động phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Quy định cụ thể hoạt động quản lý rủi ro, bao gồm việc thu thập, xử lý thông tin hải quan; Xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro; Tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý hải quan phù hợp. Những nội dung này chưa được Luật hiện hành quy định.
Đồng thời, việc áp dụng quản lý rủi ro trong từng quy trình, nghiệp vụ hải quan cụ thể được quy định tại các điều: Điều 32 về kiểm tra hồ sơ hải quan; Điều 33 về kiểm tra thực tế hàng hóa; Điều 34 về kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp vắng mặt người khai hải quan; Điều 38 về phương thức giám sát hải quan; Điều 78 về các trường hợp kiểm tra sau thông quan; Các điều từ 93 đến 96 về thu thập, xử lý thông tin hải quan. Ngoài các quy định cụ thể hóa nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trước, trong và sau khi thông quan, các nội dung chi tiết khác như tiêu chí đánh giá rủi ro, phân loại mức độ rủi ro, áp dụng cụ thể quản lý rủi ro sẽ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.
Luật Hải quan (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hải quan; đảm bảo tiếp tục cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, đặc biệt là hệ thống TTHQ điện tử đáp ứng yêu cầu và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Bốn là, Luật cũng bổ sung cơ chế xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan. Theo đó, trường hợp người khai hải quan đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa dự kiến XNK, người khai hải quan cung cấp thông tin, chứng từ liên quan, mẫu hàng hóa dự kiến xuất, nhập khẩu hoặc tài liệu kỹ thuật liên quan cho cơ quan hải quan, để cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan. Quy định này đã tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, giúp DN chủđộng xác định trước về nghĩa vụ thuế đối với hàng hoá dự kiến nhập khẩu; Tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, giảm các trường hợp tranh chấp giữa DN vàcơ quan hải quan vềviệc áp mã, xác định giátính thuế, xuất xứhàng hoákhi làm thủtục thông quan. Những quy định này là hoàn toàn phù hợp với Công ước Kyoto cũng như các cam kết quốc tế trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các nước trong khu vực ASEAN...
Năm là, Luật Hải quan cũng tạo cơ sở pháp lý để thực hiện TTHQ, chế độ kiểm tra hàng hóa XNK theo Cơ chế một cửa quốc gia (Điều 4, Điều 24). Hiện nay, Cơ chế một cửa quốc gia đang được triển khai thí điểm theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, tháng 12/2014 sẽ tổng kết việc thí điểm và đề xuất phương án triển khai chính thức Cơ chế hải quan một cửa quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.
Để phù hợp với lộ trình nêu trên, tạo cơ sở pháp lý ổn định thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, tại Điều 24 quy định trách nhiệm các bộ, ngành trong việc gửi giấy phép XNK, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK dưới dạng điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp. Đồng thời, tại Điều 4 của Luật bổ sung khái niệm “Cơ chế một cửa quốc gia”, theo đó "Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện TTHQ và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa XNK thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được XNK, quá cảnh; Cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.”
Thêm hành lang pháp lý mới
Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan, giám sát, kiểm soát của ngành Hải quan… Luật Hải quan (sửa đổi) đã có những quy định cụ thể hơn với các điều khoản sau:
- Về địa bàn hoạt động hải quan:
Điều 7 Luật Hải quan quy định theo hướng bổ sung cho đầy đủ và minh bạch một số địa điểm là địa bàn hoạt động hải quan, gồm: Khu vực, địa điểm khác đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, được phép xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Khu vực đang lưu giữhàng hóa đang chịu sựgiám sát hải quan.
- Về tăng cường hoạt động của cơ quan hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 88, 89, 90):
Điều 88 Luật Hải quan đã bổ sung các quy định, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan hải quan tiếp tục truy đuổi khi có căn cứ xác định hàng hoá buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, phương tiện vận tải chở hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan; Đối với hàng hóa chịu sự giám sát hải quan đang vận chuyển trên các tuyến đường, cơ quan hải quan có trách nhiệm giám sát bằng các biện pháp nghiệp vụ hải quan; khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật Hải quan cũng quy định cụ thể việc cơ quan hải quan có quyền sử dụng cờ hiệu, đèn hiệu, pháo hiệu, còi, loa; Sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (khoản 5 Điều 89).
Điều 90 Luật Hải quan quy định bổ sung thẩm quyền dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm trong trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cho cơ quan hải quan. Đây là biện pháp, trường hợp chưa được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật Hải quan (sửa đổi) đã bổ sung các quy định này nhằm bảo đảm phù hợp với đặc thù của hoạt động chống buôn lậu, phạm vi địa bàn ở vùng cửa khẩu giáp biên giới, sân bay, trên biển; Nếu không được dừng phương tiện vận tải; Tạm giữ ngay người có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu thoát sang bên kia biên giới hoặc lên máy bay, phương tiện vận tải khác để xuất cảnh. Đồng thời, quy định rõ thẩm quyền áp dụng các biện pháp nêu trên là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội Kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu.
- Về việc tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan:
Được quy định tại các Điều từ 77 đến Điều 82 của Luật này đã quy định cụ thể hơn về kiểm tra sau thông quan, tập trung vào các nội dung:
(i) Quy định rõ địa điểm kiểm tra: Tại trụ sở cơ quan hải quan, trụ sở người khai hải quan (khoản 2 Điều 77). Các trường hợp kiểm tra sau thông quan: Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và pháp luật liên quan đến XNK; Kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro đối với các trường hợp khác; Kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan (Điều 78). Thời hạn kiểm tra là 5 năm, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan (khoản 3 Điều 77). Thẩm quyền ra quyết định kiểm tra: Cục trưởng Cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan (khoản 1 Điều 79). Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan (khoản 1 Điều 80)...
Tóm lại, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Luật Hải quan (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước. Quốc hội ban hành dự án Luật này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hải quan; đảm bảo tiếp tục cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, đặc biệt là hệ thống TTHQ điện tử đáp ứng yêu cầu và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Cơ sở pháp lý mới cho cải cách, hiện đại hóa: Nhìn từ Luật Hải quan (sửa đổi)
(Tài chính) Một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu của ngành Hải quan là đổi mới và hoàn thiện hành lang pháp luật đầy đủ, thống nhất, minh bạch, tạo nền tảng cho các hoạt động cải cách và hiện đại hóa hải quan. Đây cũng là mục tiêu phát triển hải quan Việt Nam đến năm 2020 nhằm đạt được cơ bản các thủ tục quản lý hải quan là: đơn giản, hài hóa và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Xem thêm