Có việc bắt tay ngầm giữa Mỹ và Ảrập Xêút không?
(Tài chính) “Chiến tranh dầu mỏ giữa Ảrập Xêút với Iran và Nga”, “Ảrập Xêút có làm kỹ nghệ dầu mỏ của Mỹ mất ngôi hoàng đế không?”, “Nga đã thua trong trận chiến kinh tế với phương Tây”... - đó là những gì truyền thông quốc tế những ngày qua đưa tin đậm nét khi giá vàng đen liên tục phá đáy. Trong đó không ít phân tích cho rằng Mỹ và Ảrập Xêút đều có lợi nếu đẩy giá dầu xuống thấp.
Giá dầu thế giới đã có thời điểm giảm sâu xuống còn 54,11USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5.2009. Từ đầu năm tới nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm tổng cộng 41%, trong đó giá dầu Brent giảm 45%, kể từ mức giá đỉnh cao 115USD/thùng. Xu thế này đã tác động mạnh tới kinh tế thế giới và các nước nói riêng. Các nhà kinh tế dự báo giá dầu mỏ biến động sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến hết năm nay do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ không cân nhắc việc cắt giảm sản lượng ngay cả khi giá dầu giảm xuống tới mức 40USD/thùng. Ảrập Xêút, thành viên chủ chốt của OPEC khẳng định quốc gia này sẽ không cắt giảm sản lượng bởi việc làm này đồng nghĩa với nhường thị phần cho các quốc gia khác.
Trong bức tranh này, nổi lên hai tuyến chính là Mỹ cùng các đồng minh và phía bên kia là Nga và các nước đối đầu với Washington. Giá dầu mỏ giảm mạnh và có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ không thể vọt trở lại trong năm 2015 đang tạo ra một tình thế chiến thắng cho ông Obama trên cả hai mặt trận đối nội và đối ngoại trong 2 năm còn lại trên cương vị Tổng thống.
Theo nhận định của Wall Street Journal, trên mặt trận đối nội, giá nhiên liệu giảm sẽ trở thành động lực thúc đẩy chi tiêu cá nhân cũng như niềm tin của người tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế vốn đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tại thị trường Mỹ, giá xăng có thể sẽ giảm xuống mức 2,5 USD/gallon vào đầu năm 2015. Động thái này sẽ giúp cho một người dân Mỹ tiết kiệm bình quân 750USD trong năm 2015.
Như vậy, các lợi ích nội địa đối với Chính quyền Obama rất rõ ràng. Bên cạnh đó, lợi ích của giá dầu giảm đối với các chiến lược của Mỹ không rõ ràng được như vậy, song cũng khá hấp dẫn. Các quốc gia bị tác động mạnh nhất bởi giá dầu giảm lại nằm trong danh sách “những cái gai” của Mỹ, từ Iran, Syria cho tới Nga, Venezuela và đồng thời là những đối thủ chính của Ảrập Xêút. Trong khi đó, rất nhiều nước trong danh sách “bạn bè tốt” của Mỹ lại được hưởng lợi, trong đó có Jordan, Ai Cập, Israel và Nhật Bản.
Giá dầu giảm đang là một tác nhân thay đổi cuộc chơi địa chính trị hiện nay. Trước hết, giá dầu thấp có thể giúp kích thích tăng trưởng tại châu Âu trong bối cảnh tăng trưởng chậm chạp của khu vực đang nổi lên trở thành mối lo ngại thực sự. Một số nền kinh tế châu Âu là những nhà nhập khẩu ròng dầu mỏ. Vậy nên, việc giá dầu thấp hơn nhiều khả năng tạo ra một cú hích nhỏ cho tăng trưởng kinh tế. Giá năng lượng thấp sẽ giúp cắt giảm giá thành sản xuất cho các ngành công nghiệp và giúp người tiêu dùng tiết kiệm tiền. Điều này là lợi ích rất thiết thực đối với 18 nước trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - nơi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao.
Trong khi đó, giá dầu giảm lại khiến Nga và Iran bị tổn hại do phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ. Cả hai nước này đang chịu những áp lực kinh tế từ các lệnh cấm vận của Mỹ, trong trường hợp của Nga là vì vấn đề Ukraine, còn trong trường hợp Iran là vì chương trình hạt nhân. Giá dầu thấp hơn có tác dụng là chất hormone giúp gia tăng hiệu quả của các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Các đồng minh của Iran tại Trung Đông cũng bị tác động bởi giá dầu giảm. Syria phụ thuộc cả vào nguồn thu khiêm tốn từ dầu mỏ của mình cũng như từ sự hỗ trợ của Iran. Số tiền thu được từ dầu khí cũng là nguồn tài chính của Hezbollah. Giờ đây, cả hai thế lực này đều phải có những lo ngại mới cần giải quyết. Tương tự, lực lượng khủng bố “Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng” cũng có nguồn tài chính một phần từ lượng dầu mỏ đánh cắp được từ Syria và bán trên thị trường đen. Giá trị thu được từ nguồn dầu mỏ đó vốn đã thấp, giờ lại càng thấp hơn. Trong khi đó, các quốc gia tại Trung Đông mà Mỹ hy vọng sẽ bình ổn, chẳng hạn như Ai Cập, Jordan, Lebanon, đều thở phào nhẹ nhõm. Điều đáng lo ngại duy nhất với Mỹ có lẽ là sự tác động tới nguồn thu từ dầu mỏ của Iraq.
Từ những phân tích này, giới chuyên gia cho rằng giả thuyết Mỹ - Ảrập Xêút ngầm bắt tay trong màn diễn “chiến tranh bí mật” nhưng lộ liễu này không phải không có cơ sở.