Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp:
"Cởi trói” cho doanh nghiệp có vốn Nhà nước
Nhận định về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp cho rằng Luật mới đã tháo gỡ nhiều điểm để có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hoạt động lành mạnh và phát triển hiệu quả hơn, thể hiện đúng vai trò then chốt chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp đề xuất các vấn đề liên quan tới tiền lương
Tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp diễn ra ngày 5/8 tại TP. Hồ Chí Minh, góp ý về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước về cơ chế trả tiền lương tại doanh nghiệp, Đại tá Nguyễn Năng Toàn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, theo quy định hiện hành thì đây là khoản liên quan đến chi phí của doanh nghiệp.
Ông Toàn dẫn chứng, như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì cần hiểu Nhà nước là nhà đầu tư và sẽ quản lý dòng vốn đầu tư trực triếp tại các công ty/tổng công ty (cấp 1). Trong trường hợp công ty có phần vốn nhà nước chi phối đầu tư sang công ty cấp 2 thì việc quản lý dòng vốn tại công ty cấp 2 nên giao thẩm quyền cho cho công ty cấp 1.
Kể cả đối với vấn đề nhân sự ở công ty cấp 2 cũng nên giao thẩm quyền quyết định cho công ty cấp 1 mà không nhất thiết phải trình chủ sở hữu vốn nhà nước nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính.
Liên quan đến vấn đề tiền lương, trong dự thảo quy định tiền lương, tiền thưởng của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên là lợi nhuận sau thuế. Ông Toàn cho rằng, với những doanh nghiệp Nhà nước mà kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả thì không có nguồn để trả lương cho những người quản lý.
Hiện nay, đối với doanh nghiệp Nhà nước, không phải chỉ có Chủ tịch là người đại diện chủ sở hữu mà thậm chí những người điều hành như Tổng giám đốc cũng do chủ sở hữu bổ nhiệm. Theo ông Toàn, nếu tách ra như vậy thì cùng một vị trí do chủ sở hữu bổ nhiệm "nhưng người thì hưởng lương từ giá thành còn người thì hưởng lương từ lợi nhuận", mà doanh nghiệp không có lợi nhuận thì người được hưởng từ lợi nhuận sẽ rất khó khăn.
“Cởi trói” cho chính doanh nghiệp
Bà Lê Ngọc Thuỳ Trang - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính TP. Hồ Chí Minh (HFIC) cho rằng, nội dung về quản lý đầu tư trong Dự thảo Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã “cởi trói” cho chính doanh nghiệp.
Dẫn chứng cho nhận định này, bà Lê Ngọc Thuỳ Trang lý giải, theo quy định trước đây, dù chỉ bổ sung 1 đồng vốn điều lệ doanh nghiệp cũng phải đi xin chủ trương của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Theo Dự thảo Luật mới thì chỉ khi bổ sung vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng mới phải xin chủ trương, còn nếu bổ sung vốn điều lệ dưới số vốn trên thì đại diện doanh nghiệp có thể tự quyết định và chịu trách nhiệm với cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Giải đáp các vấn đề liên quan về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, Luật sửa đổi lần này đã đổi mới căn bản, toàn diện hơn so với trước đây. Điều này sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh và phát triển hơn.
Góp ý về một số vấn đề cần sửa đổi, ông Tuấn Minh cho rằng, về vấn đề doanh nghiệp có vốn đầu tư khác xin ý kiến chủ sở hữu thì Bộ Tài chính sẽ ghi nhận theo hướng tiếp thu để doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp quyết định. Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp quan trọng, tác động lớn tới phạm vi của chủ sở hữu và do chủ sở hữu quyết định danh sách đầu tư thì vẫn phải xin ý kiến.
"Có những doanh nghiệp cấp 2 rất lớn, dù là cấp hai nhưng với số vốn nhiều, số lượng cán bộ, người lao động lớn, tác động thậm chí thay đổi cả doanh nghiệp cấp 1 thì danh sách trong từng thời kỳ nên để cho chủ sở hữu vốn nhà nước quyết định. Doanh nghiệp cấp 2 cần phải xin ý kiến nhân sự chủ chốt, người đứng đầu, phải làm chiến lược, không nên để doanh nghiệp cấp 1 quyết định hết", ông Bùi Tuấn Minh lý giải.
Về phân cấp mức đầu tư, nếu chia nhỏ ra theo tính chất, ngành nghề, khu vực, loại hình là rất phức tạp. Theo đó, chỉ nên chọn tối ưu hoặc gọn hơn, do vậy hiện nay dự thảo Luật đi theo hướng mức đầu tư bằng tiền bởi nếu Luật đưa ra chi tiết hóa rất khó quản lý.
Về kiến nghị có quỹ đặc thù, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, đơn vị nào cũng có đặc thù, càng nhiều quỹ thì nguồn lực càng không tập trung và khó quản lý...
Ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp khẳng định, mục tiêu là xây dựng luật để tháo gỡ cho các doanh nghiệp có vốn Nhà nước hoạt động lành mạnh và phát triển.