Coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu

Bảo Thương

Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, lĩnh vực, địa bàn được phân công để lãnh đạo tổ chức, triển khai hiệu quả.

Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các biến động trong tương lai.
Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các biến động trong tương lai.

Tại Thông báo số 790/TB-BTC về phân công thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ quán triệt thực thi đầy đủ và hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, kiến tạo phát triển và kiểm soát rủi ro, lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật; củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chính sách.

Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, đồng thời nhấn mạnh các đơn vị phải coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển... Bảo đảm tính ổn định, nhất quán, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và thực chất của chính sách; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững. Hỗ trợ doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững... Định kỳ tổ chức đối thoại giữa Bộ Tài chính với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; đánh giá thực chất quá trình xử lý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. 

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, trong đó phải kể đến các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Các giải pháp này đã phát huy hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi, phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành năm 2023 khoảng 200 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện ước tính đến hết tháng 8/2023 khoảng 132 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 42,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 89,7 nghìn tỷ đồng).

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) gặp nhiều khó khăn trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi NSNN cho các hoạt động thường xuyên, Bộ Tài chính vẫn luôn xác định việc đồng hành, sát cánh, hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp, người dân an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh là vô cùng cần thiết và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: “Không phải vì lo ngại ảnh hưởng tới nguồn thu NSNN mà không thực hiện các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Với truyền thống trọng dân, vì dân, các chính sách pháp luật của Việt Nam thời gian qua đã thể hiện rất rõ điều này. Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, bởi vì đổi lại, nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia”.