Colombo thăng bằng trên dây

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Không phải ngẫu nhiên tân Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena quyết định lựa chọn Ấn Độ là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Theo giới phân tích, ban lãnh đạo Colombo đang điều chỉnh chính sách theo hướng cân bằng và thể hiện sự ưu tiên nhất định trong quan hệ với New Delhi.

Colombo thăng bằng trên dây
Báo chí Ấn Độ nhận định những chuyển động ngoại giao này cho thấy sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của chính phủ Sirisena. Nguồn: internet
Trong chuyến thăm, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký kết 4 hiệp định quan trọng, đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân dân sự, theo đó hai bên cam kết hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận việc hồi hương người tỵ nạn Tamil, giải quyết vấn đề ngư dân cũng như thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc tại Sri Lanka. Việc thúc đẩy triển khai dự án nhà máy điện Sampur ở quận Trincomalee của Sri Lanka cũng được đề cập sau gần 10 năm trì hoãn do vướng mắc về vốn, kỹ thuật và môi trường. Ông Sirisena cũng đến thăm địa điểm hành hương Phật giáo Bodh Gaya và đền thờ Hindu ở Tirupati, bang Andhra Pradesh.   

Trước đó, từ ngày 17 - 19/1, Ngoại trưởng Samaraweera đã tới thăm Ấn Độ, tiến hành hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Sushma Swaraj, và gặp Thủ tướng Modi cùng nhiều quan chức cấp cao Ấn Độ.

Báo chí Ấn Độ nhận định những chuyển động ngoại giao này cho thấy sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của chính phủ Sirisena sau gần một thập kỷ lạnh nhạt dưới thời cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse và tạo ra sự cân bằng trong quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc.    

Dưới thời cựu Tổng thống có khuynh hướng thân Trung Quốc Rajapaksa, quan hệ Ấn Độ - Sri Lanka đã sụt giảm xuống mức thấp nhất sau khi các tàu chiến Trung Quốc thường xuyên cập cảng Sri Lanka; Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Sri Lanka, (chiếm 24% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI năm 2013); Trung Quốc và Sri Lanka thúc đẩy xây dựng các dự án hợp tác nhằm triển khai ý tưởng Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI… Sau khi Tổng thống Sirisena lên cầm quyền, giới phân tích nhận định đây là thời cơ chưa từng có để Ấn Độ và Sri Lanka thúc đẩy quan hệ hợp tác, mở ra kỷ nguyên mới cho quan hệ song phương. Có ý kiến cho rằng, để phá vỡ sự bao vây của Trung Quốc, chính quyền Modi đang thúc đẩy thiết lập tam giác hợp tác Ấn Độ - Sri Lanka -Maldives, thể hiện qua chuyến công du Colombo và Male của Thủ tướng Modi vào giữa tháng 3 tới.   

Giới nghiên cứu đánh giá kết quả chuyến thăm của ông Sirisena là tích cực và thực chất. Đặc biệt, việc hai bên ký kết thỏa thuận hạt nhân dân sự là một minh chứng thể hiện sự tin cậy lẫn nhau, đánh dấu bước ngoặt lịch sử bởi đây là thỏa thuận đầu tiên Ấn Độ ký kết sau khi đạt được bước đột phá trong thúc đẩy triển khai thỏa thuận hạt nhân dân sự Ấn Độ - Mỹ ký năm 2008 - mở đường cho việc xuất khẩu các dự án hạt nhân. Thỏa thuận hạt nhân dân sự cùng với việc mở rộng hợp tác chặt chẽ giữa Ấn Độ và Sri Lanka trên nhiều lĩnh vực có thể đưa Sri Lanka thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Mặc dù trong chuyến thăm của ông Sirisena, Ấn Độ và Sri Lanka khẳng định đây là cơ hội chưa từng có để mở rộng và thiết lập kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước, nhưng do nhu cầu vốn và sự ảnh hưởng sâu rộng về kinh tế với Trung Quốc, Sri Lanka sẽ không thể để mất cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư với Trung Quốc. Minh chứng cho điều này là ngay sau chuyến thăm tới New Delhi, cuối tháng này ông Sirisena dự kiến tới Bắc Kinh. Sự cân bằng trong quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong sự điều chỉnh và tính toán chiến lược của chính quyền Colombo dưới thời Tân Tổng thống Sirisena. Việc triển khai chính sách ngoại giao cân bằng của Colombo cũng sẽ tác động đáng kế đến nỗ lực gia tăng ảnh hưởng và triển khai chiến lược chuỗi ngọc trai của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.    

Bên cạnh đó, việc Sri Lanka thúc đẩy quan hệ với cả Trung Quốc và Ấn Độ cũng như những tính toán chiến lược của hai nước này trong quan hệ với Colombo sẽ khiến cho sự cạnh tranh ảnh hưởng và chiến lược của hai cường quốc châu Á tại đây cũng như khu vực Ấn Độ Dương ngày càng quyết liệt hơn.