Công an điều tra vụ doanh nghiệp tự ý tiêu thụ 8.000 tấn hạt điều

Theo Thu Hòa/bcd389.gov.vn

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã chuyển hồ sơ vụ Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam (địa chỉ số 37 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM) tiêu thụ hơn 8.000 tấn điều phế phẩm, không khai báo cơ quan hải quan cho Công an TP.HCM điều tra theo thẩm quyền.

Hạt điều nguyên liệu nhập khẩu tại cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn: T.H.
Hạt điều nguyên liệu nhập khẩu tại cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn: T.H.

Vụ vi phạm nêu trên do Chi cục Kiểm tra sau thông quan - Cục Hải quan TP. HCM kiểm tra, phát hiện vào đầu năm 2022. Qua kiểm tra 50 bộ hồ sơ nhập khẩu điều nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu, Chi cục Kiểm tra sau thông quan phát hiện một doanh nghiệp tự ý tiêu thụ nội địa gần 8.700 tấn điều, nên đã ấn định truy thu hơn 10 tỷ đồng tiền thuế.

Theo kết quả kiểm tra, Chi cục đã phát hiện Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam có hành vi vi phạm sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, sử dụng không đúng mục đích mà không khai báo chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan Hải quan.

Cụ thể, Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam đã bán, tiêu thụ nội địa 8.698 tấn điều nguyên liệu nhập khẩu không đạt chất lượng để đưa vào sản xuất xuất khẩu. Trị giá số điều nhập khẩu trên 214,121 tỷ đồng.

Ngoài ra, qua kiểm tra sau thông quan, Chi cục Kiểm tra sau thông quan còn phát hiện Công ty này đã có hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng, kê khai nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu dẫn đến hàng hóa thực tế tồn kho thiếu so với số liệu khai báo với cơ quan Hải quan. Doanh nghiệp đã khai báo không chính xác số liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tại thời điểm hết ngày 31/10/2021 dẫn đến lượng chênh lệch thiếu 3.500 kg. Trị giá hàng vi phạm (trị giá hàng nhập khẩu) trên 105 triệu đồng.

Từ các hành vi phạm nêu trên, Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã ban hành quyết định ấn định thuế, truy thu hơn 10 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, ngày 28/3/2022, Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam do đã có hành vi “Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế không đúng mục đích mà không khai báo chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan Hải quan”. Trị giá hàng vi phạm trên 214 tỷ đồng.

Cục Hải quan TP. HCM cho rằng, hành vi trên là hành vi trốn thuế được quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và Điểm i Khoản 1 Điều 200 Bộ Luật Hình sự 2015.

Sau khi Chi cục Kiểm tra sau thông quan ban hành quyết định thuế, Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam đã thực hiện nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Theo giải trình của doanh nghiệp, doanh nghiệp này luôn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, do các phế phẩm tồn kho cao, một số bị giảm chất lượng nên công ty đã chuyển tiêu thụ nội địa nhằm giảm bớt thiệt hại. Doanh nghiệp không ý thức đến việc phải giải trình và xin phép cơ quan chức năng. Việc mua bán này được thể hiện trên các hóa đơn, chứng từ và khai báo đầy đủ với cơ quan Thuế.

Giải trình với cơ quan Hải quan về những sai phạm nêu trên, Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam cho biết, Công ty được chuyển đổi từ Công ty TNHH Rals Việt Nam. Sau khi nhận tiếp quản, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên chủ sở hữu người nước ngoài chủ yếu chỉ điều hành doanh nghiệp từ xa. Điều này ảnh hưởng nhiều tới việc quản lý, điều hành và không cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo quy trình sản xuất tại công ty, các phế phẩm phát sinh từ các công đoạn ban đầu của quá trình như phân loại, sàng lọc đến công đoạn chế biến như kích cỡ điều thô quá nhỏ, bị loại trong quá trình sản xuất phân cỡ không thể đưa vào sản xuất; sản phẩm bị vỡ vụn; lượng vỏ thu hồi… Sau đó các phế phẩm này sẽ chuyển đến kho lưu giữ.

Lượng phế liệu, phế phẩm này dẫn đến lượng tồn kho cao, một số bị giảm chất lượng. Vì vậy, doanh nghiệp đã tìm đến thị trường tiêu thụ nội địa. Việc bán phế phẩm trên chỉ nhằm giảm bớt thiệt hại về kinh tế do lượng phế phẩm này nhiều, không thể đưa vào sản xuất sản phẩm để xuất khẩu thu về lợi nhuận nên công ty có giải pháp bán lỗ thu hồi một phần vốn.