Công bố 11 luật và 1 nghị quyết mới
(Tài chính) Ngày 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 luật và 1 nghị quyết mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Cụ thể, sáng 10/7, 6 Luật được công bố gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xây dựng; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Công chứng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Buổi chiều cùng ngày, Văn phòng Chủ tịch nước công bố 5 luật và 1 nghị quyết được công bố gồm: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi), Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi), Luật Đầu tư công và Nghị quyết về việc gia nhập công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.
Ngoài Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày công bố 10/7, thì các Luật còn lại có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2015.
Về Luật Đầu tư công, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với việc ban hành luật này sẽ góp phần hoàn thiện, tạo ra hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ trong tất cả các khâu, các hoạt động và quá trình quản lý đầu tư công của tất cả các nguồn vốn đầu tư công.
Luật cũng đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Đây là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công, được coi là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, điều này sẽ ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư, góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.
Đặc biệt, Luật được ban hành nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác kế hoạch đầu tư. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư 5 năm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó phù hợp với các mục tiêu và định hướng phát triển trong kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm; bảo đảm cân đối vốn đầu tư với các cân đối lớn của nền kinh tế trong phạm vi cả nước, từng ngành, địa phương; tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương biết rõ được nguồn lực đầu tư công trong kế hoạch 5 năm để quyết định đầu tư đúng đắn và hiệu quả; góp phần tích cực vào phòng chống tham nhũng, cửa quyền trong bộ máy Nhà nước các cấp.