Công bố lĩnh vực "cấm" và "hạn chế" thu hút FDI

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Nhiều địa phương bắt đầu thực hiện “quyền lựa chọn” dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của dòng vốn này.

Thông tin được chú ý trong thời gian gần đây là việc Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu liên tiếp dựng “barie” trong thu hút FDI. Như vậy, hàng loạt lĩnh vực đầu tư sẽ không còn cửa để đặt chân vào các tỉnh này.

Cụ thể, với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, “barie” được dựng đối với các lĩnh vực sản xuất thép, đặc biệt là thép xây dựng và phôi thép; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp); nhuộm, thuộc da; sản xuất giấy các loại, bột giấy; chế biến bột cá: các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm thượng nguồn và các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các lĩnh vực “cấm”, thì hàng loạt lĩnh vực bị hạn chế đầu tư cũng đã được công bố, như công nghiệp xi mạ; chế biến hải sản; sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp; dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, sử dụng nhiều đất, có giá trị gia tăng thấp; dự án có phát sinh chất thải lớn, đặc biệt là khí CO2; dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu…

Trong khi đó, Đồng Nai cương quyết nói không với các lĩnh vực sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su chưa sơ chế; sản xuất hóa chất cơ bản; thuộc da, sơ chế da… Trong khi đó, các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ có công đoạn xi mạ, phun phủ, đánh bóng kim loại, hay có công đoạn nhuộm… sẽ thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

“Đây đều là những ngành nghề đang gây ô nhiễm môi trường, xử lý môi trường khó khăn, nên chúng tôi đã quyết định tạm ngừng thu hút đầu tư. Tỉnh chấp nhận thu hút đầu tư giảm để bảo vệ môi trường sống cho người dân”, bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết.

Thực ra, không khó để hiểu vì sao Bà Rịa - Vũng Tàu hay Đồng Nai nói không với các dự án đầu tư, bao gồm cả vốn đầu tư trong nước và dự án FDI, trong các lĩnh vực kể trên. Chẳng hạn, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, 5 nhà máy luyện thép đang hoạt động, trong đó có các nhà máy quy mô lớn của China Steel (Đài Loan), Posco (Hàn Quốc)…, hàng ngày thải ra hơn 800 tấn bụi lò, xỉ thép và đất phế, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân.

“Việc có nhiều dự án thép, sử dụng nhiều đất, nhiều điện, lại gây ô nhiễm môi trường sẽ không tốt cho Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc này lẽ ra phải được xem xét từ lâu rồi”, một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu nói.

Chỉ nói riêng lĩnh vực thép, được biết, để giải quyết vấn đề ô nhiễm, Bà Rịa - Vũng Tàu đang lên kế hoạch thu hút đầu tư để xây dựng một nhà máy xử lý bụi lò. Feng Hsin Steel (Đài Loan) là cái tên được nhắc đến gần đây, khi cuối tháng 8/2014, công ty này đã đề xuất lên UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu một dự án có tổng mức đầu tư khoảng 70 triệu USD. Dự án này dự kiến sử dụng bụi thép để sản xuất ô-xít kẽm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1.

Trên thực tế, chuyện các địa phương nói không với một số lĩnh vực thu hút đầu tư không phải là mới. Đầu năm nay, Thái Bình cũng đã ban hành Danh mục các lĩnh vực, ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hạn chế đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sản xuất bột giấy và seo giấy, sản xuất thuốc lá, xi măng, luyện gang, thép, sản xuất tấm lợp có sử dụng amiăng amfibole… thuộc diện không được chấp nhận đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư.

Còn Bắc Ninh, cuối năm 2013, khi phê duyệt Đề án Thu hút đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh này cũng đã đồng thời ban hành Danh mục các lĩnh vực khuyến khích và hạn chế đầu tư. Sản xuất sắt, thép, vật liệu xây dựng, giấy, hóa chất, dệt may và các sản phẩm dệt may… là những lĩnh vực mà Bắc Ninh không muốn thu hút đầu tư.

“Tại Bắc Ninh, không được khuyến khích đầu tư là những lĩnh vực không phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sử dụng nhiều đất, nhiều lao động phổ thông, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”, ông Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói và cho biết, cùng với việc ban hành danh mục này, Bắc Ninh còn có các biện pháp kỹ thuật để hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực này, như qua việc giới thiệu địa điểm đầu tư, thẩm định công nghệ, suất đầu tư tối thiểu, đánh giá tác động môi trường… của dự án.

Vài năm trước đây, Đà Nẵng đã tạm dừng cấp phép đầu tư các dự án trồng rừng và nuôi trồng thủy sản, các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường…

Như vậy, quyền lựa chọn các dự án đầu tư nói chung, dự án FDI nói riêng, đã từng được thực hiện. Tuy nhiên, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, thời gian qua, các địa phương chưa thực hiện đầy đủ quyền lựa chọn các dự án FDI. “Để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, các địa phương có quyền lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn dự án… phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mình, cũng như làm sao để tối ưu hóa hiệu quả của dòng vốn này”, ông Mại nói.