Công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019: Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm ưu thế


Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lần đầu tiên vào chiều qua 10/7, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đang có quy mô và tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ doanh nghiệp ở hầu hết các chỉ tiêu. Điều này minh chứng rằng chủ trương, chính sách khuyến khích mọi loại hình doanh nghiệp cùng phát triển bình đẳng đã được thực hiện hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả tăng trên 11%

“Trong những năm qua, cùng với chủ trương, chính sách khuyến khích mọi loại hình doanh nghiệp cùng phát triển bình đẳng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phát triển nhanh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, thu hút nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước liên tục phát triển, từ chỗ chỉ chiếm tỷ lệ thấp, đến nay đã có quy mô và tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ doanh nghiệp ở hầu hết các chỉ tiêu”, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 nêu rõ.

Cụ thể, tính đến 31/12/2017, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước là 560.417 doanh nghiệp, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2016. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước có 2.486 doanh nghiệp, chiếm 0,4% và giảm 6,6% so với cùng thời điểm năm 2016; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 541.753 doanh nghiệp, chiếm 96,7%, tăng 10,9%; còn lại là khu vực FDI với 16.178 doanh nghiệp.

 Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam được Chính phủ, Thủ tướng Chính  phủ giao Bộ Kế  hoạch và Đầu tư  thực hiện thường niên, bắt đầu công bố từ năm nay. Nội dung gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp trên cả nước giai đoạn 2016 - 2018, gồm: Bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2018; tổng quan phát triển doanh nghiệp năm 2018 và  giai đoạn 2016 - 2018; các giải pháp phát triển doanh nghiệp; bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016 - 2018 toàn quốc và địa phương. Đồng thời, Sách trắng cũng tôn vinh những doanh nghiệp có đóng góp tích cực nhất vào phát triển kinh tế của cả nước và địa phương.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam sau này sẽ thực hiện vào cuối quý I, đầu quý II để phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, chính sách trong năm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này có tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh là 33 triệu tỷ đồng, tăng 17,5%; tạo việc làm cho 14,51 triệu người, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2016; tổng doanh thu thuần là 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút 17,5 triệu tỷ đồng vốn; tạo việc làm cho 8,8 triệu lao động; đạt tổng doanh thu thuần là 11,7 triệu tỷ đồng, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp và tăng 20,2% so với năm 2016.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thông tin thêm, ở một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cũng cho thấy, khu vực ngoài nhà nước đang chiếm ưu thế.

Chẳng hạn, mặc dù thu nhập trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ đạt 7,4 triệu đồng, thấp hơn mức 11,4 triệu đồng và 9 triệu đồng của khu vực nhà nước và FDI, song đây lại là khu vực có tốc độ cải thiện thu nhập cho người lao động nhanh hơn, tăng 15,1% so với năm 2016.

Về chỉ số nợ chung của toàn bộ doanh nghiệp (tổng số tài sản nợ của doanh nghiệp) gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, song nếu như chỉ số này của khu vực doanh nghiệp nhà nước là 4,1 lần thì khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ là 2,3 lần…

Phát triển doanh nghiệp để tăng khả năng cân đối ngân sách

Phát biểu tại Lễ công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ rõ, Sách trắng “là một bức tranh chân thực, toàn cảnh, đầy đủ và chính thống” để nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương, các hiệp hội, các chuyên gia nghiên cứu, từ đó đề ra chính sách cũng như có kiến nghị chính sách phù hợp.

Chỉ ra việc cả nước hiện có 16/63 tỉnh, thành phố cân đối được ngân sách và có khoản thu đóng thuế cho Trung ương, Phó Thủ tướng lưu ý, “bây giờ muốn tăng số lượng này lên thì phải bằng cách phát triển doanh nghiệp”. Do đó, Sách trắng cũng cần phân tích kỹ xem vì sao các địa phương có cùng điều kiện, địa bàn song sự phát triển doanh nghiệp lại khác nhau.

Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp của các địa phương như Hà Nội, Nghệ An… đang đặt ra nhiều vấn đề. Chẳng hạn, Hà Nội dù có tổng số doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước (143.119 doanh nghiệp, sau TP Hồ Chí Minh) song tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp trong năm 2018 chỉ đứng thứ 42 cả nước. Nếu trong một vài năm tới cứ bình chân như vại sẽ dần dần tụt hậu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, các bộ, ngành, địa phương cần sử dụng Sách trắng hàng năm, trước mắt là năm 2019, coi đây là nguồn thông tin chủ yếu phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách  cũng như trên địa bàn. Bên cạnh đó, phải đánh giá đúng thực chất những điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp, chính sách, chiến lược phát triển doanh nghiệp hiệu quả và bền vững.

Bởi đến hết tháng 6/2019 mới có gần 750.000 doanh nghiệp, thời gian để hoàn thành mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 chỉ còn một năm rưỡi nữa nên rất thách thức! “Những địa phương có thứ hạng thấp trong phát triển doanh nghiệp hàng năm cần nghiêm túc xem xét, tìm ra các nguyên nhân, đồng thời đề xuất chính sách, giải pháp, kế hoạch nhằm hỗ trợ thực chất doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để doanh nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế, bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp từ phía các cơ quan nhà nước, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phía doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực tài chính, nguồn nhân lực cũng như đổi mới sáng tạo, coi đó là yêu cầu căn bản, sống còn đối với sự phát triển.

Đồng thời, phải chú trọng đổi mới quản trị, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, liêm chính trong kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế số, chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp phải thay đổi một cách linh hoạt. Các ứng dụng công nghệ số sẽ ngày càng phát triển và chỉ có doanh  nghiệp nào nhanh chóng nắm bắt được những xu thế mới sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh.