Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội lớn sắp mở ra cho nền kinh tế

(Tài chính) Năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, với tổng dân số 600 triệu người, sẽ trở thành một thị trường thống nhất. Đây sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế ASEAN. Theo đó, dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ, đầu tư, chuyên gia và hợp tác khu vực sẽ được khơi thông, mở ra cơ hội phát triển lớn cho Việt Nam cũng như các nền kinh tế trong khu vực.

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội lớn sắp mở ra cho nền kinh tế
AEC được hình thành, với tổng dân số 600 triệu người, sẽ trở thành một thị trường thống nhất. Nguồn: internet

Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu đang đến gần

Đến nay, ASEAN đã thực hiện được 82,1% các biện pháp ưu tiên đề ra trong năm 2013 theo Chương trình nghị sự Phnôm Pênh 2012 nhằm xây dựng AEC vào năm 2015. Việt Nam là một trong hai nước có mức độ thực hiện cao nhất, đạt 90%.

Chủ động và tích cực hội nhập ASEAN luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. Với tinh thần đó, tại Hội nghị AEM-46 và các hội nghị liên quan lần này, đại diện Việt Nam đã chủ động cùng các nước ASEAN thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy ưu tiên cao nhất hiện nay là xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 và thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác ngoại khối.

Năm 2015, khi AEC được hình thành, cạnh tranh khu vực sẽ gắt gao hơn, giúp ASEAN trở thành một thị trường rộng lớn, đồng thời là nhà xuất khẩu lớn của thế giới. Dự báo GDP của khu vực ASEAN sẽ đạt trung bình khoảng 2.000 tỷ USD/năm, thu nhập bình quân đầu người 3.100 USD/năm, trong đó, Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 7,36% kim ngạch xuất khẩu và 8,5% kim ngạch nhập khẩu.

AEC sẽ mở ra cho doanh nghiệp cơ hội mở rộng thị trường trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, với hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn nhờ rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ. Doanh nghiệp còn có thể tận dụng những Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ASEAN đã ký kết với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand như ưu đãi thuế quan 0%, cũng như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) sắp xây dựng.

Theo Bộ Công Thương, trong vòng 1 thập kỷ qua, kim ngạch thương mại Việt Nam và ASEAN đã tăng gần 4 lần, từ khoảng 9 tỷ USD năm 2003 lên đến gần 40 tỷ USD vào năm 2013. Những năm gần đây, ASEAN liên tục thuộc nhóm các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Năm 2013, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và EU, với kim ngạch 18,47 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm trước đó, là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ hai cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sau khi AEC hình thành, việc không còn rào cản thuế quan, hay thuế suất bằng 0 sẽ mang lại lợi ích rất lớn, bởi đây chính là “liều thuốc bổ” kích thích xuất khẩu, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên.

Với một thị trường chung ASEAN, việc lưu chuyển hàng hóa cũng dễ dàng hơn. Các thủ tục xuất nhập khẩu sẽ đơn giản, tiến tới cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa.

Các doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường lớn khác thông qua các FTA riêng rẽ giữa ASEAN với các đối tác kinh tế lớn. Cụ thể, từ sau 31/12/2015, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu trong nội khối ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan 0% thông qua các FTA+1 giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết, từ nay đến năm 2015 và các năm tiếp theo, cần tiếp tục loại bỏ hàng rào thuế quan, cải cách để ASEAN trở thành khu vực đầu tư hấp dẫn và làm giảm khoảng cách giữa hai khối ASEAN-4 và ASEAN-6. Đồng thời, sau năm 2015, ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để hướng đến một nền kinh tế chung tốt nhất về mặt pháp lý, thể chế, phản ứng nhanh, đối phó tốt với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN 6 là 0% theo Hiệp định ATIGA.

Thách thức cạnh tranh

Đối với Việt Nam, những thách thức chủ yếu liên quan tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng kém phát triển so với các nước trong khu vực, bao gồm các yếu tố hạ tầng cứng (đường sá, cảng biển, năng lượng) và hạ tầng mềm (hệ thống pháp lý, bộ máy hành chính).

Các chuyên gia khuyến cáo, sẽ có 5 thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đó là: cạnh tranh về hàng hóa, cạnh tranh về dịch vụ, cạnh tranh về thu hút đầu tư, đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng như phương thức kinh doanh ngày càng cao.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay, hàng Việt Nam khó cạnh tranh với mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan… tại các nước ASEAN bởi cùng một chủng loại nhưng giá cả, mẫu mã hàng Trung Quốc, Thái Lan cạnh tranh tốt hơn. Khi AEC chính thức được hình thành, theo cam kết 100% thuế suất đối với hàng hóa thông thường từ các nước ASEAN sẽ được dỡ bỏ, thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn. Khi đó, không chỉ hàng hóa xuất khẩu đi mà ngay tại thị trường trong nước hàng Việt cũng khó cạnh tranh.

Ông Trần Thanh Hải cảnh báo, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm dịch vụ, đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong các nước ASEAN khác. Ngoài ra, các cam kết ngày càng cao về thực hiện lộ trình AEC, đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và những yêu cầu ngày càng cao đối với hàng xuất khẩu sẽ là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh các biện pháp về phòng vệ thương mại đang có xu hướng gia tăng.

Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không chỉ nhỏ bé về quy mô vốn, lạc hậu về thiết bị, công nghệ mà cả năng suất lao động cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực... Đây là điều đáng lo ngại khi Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Khi AEC ra đời vào cuối năm 2015, các nước thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Việc này một mặt tạo cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng, song, mặt khác lại đặt ra những thách thức lớn cho lao động thiếu kỹ năng. Năng suất lao động Việt Nam còn rất thấp, chỉ cao hơn lao động tại Lào và Campuchia, trong khi thấp hơn các nước còn lại trong khối ASEAN. Chất lượng lao động còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Khoảng 45% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất và thu nhập thấp, phần lớn chưa qua đào tạo. Hiện chỉ có 18,38% lao động qua đào tạo. Bên cạnh đó, lao động còn thiếu các kỹ năng mềm, như làm việc nhóm, giao tiếp, khả năng ngoại ngữ...

Theo ông Cao Quang Đại, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, khi AEC ra đời, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên. Cạnh tranh về việc làm sẽ rất khốc liệt khi AEC hình thành. Nếu người lao động không nâng cao kỹ năng thì họ có thể mất việc ngay tại sân nhà.

Chủ động đón cơ hội

Để vượt qua được những thách thức cũng như tận dụng những thuận lợi do AEC mang lại, cần có sự nỗ lực chung của cả nền kinh tế, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư nhằm cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như tạo tiền đề cho việc triển khai các cơ chế tự do hóa khi hình thành thị trường chung ASEAN. Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho hội nhập của các ngành ưu tiên như nông sản, vận tải hàng không, ô tô, điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, thủy sản, y tế, logistics, cao su, dệt may, du lịch, sản phẩm gỗ… Đồng thời, nâng cao chất lượng phối hợp giữa các bộ, ngành thuộc trụ cột AEC của Việt Nam thông qua vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế.

Bên cạnh những nỗ lực từ phía Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần chủ động nâng cao năng lực kinh doanh cho phù hợp với điều kiện và môi trường kinh doanh.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, điều quan trọng là phải thường xuyên nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, nhất là các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu, đặc biệt cần chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh phi giá gắn với tiêu chuẩn, mẫu mã giao dịch.

Các doanh nghiệp cần khai thác tốt những thế mạnh để tận dụng những lợi thế về thuế quan cũng như chủ động đón đầu sức ép cạnh tranh; chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất; nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu. Cùng với việc tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu và giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển liên kết nội khối tạo chuỗi sản xuất lớn để có thể nhận những đơn hàng lớn.

Để khắc phục những bất cập trên thị trường lao động và nâng cao năng suất lao động, ngày 23/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 761/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Theo đó, 45 trường chất lượng cao sẽ đào tạo những nghề đạt đẳng cấp khu vực và thế giới. Hiện tại, các chương trình của các nước tiên tiến đã được nhập về và giáo viên được cử đào tạo tại các nước đó. Điều này nếu được thực hiện tốt, hy vọng sẽ góp phần tích cực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Hải Nam - Theo Thông tin Tài chính số 20 kỳ 2 tháng 10/2014