Cộng đồng kinh tế ASEAN - cơ hội và thách thức

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo cam kết mới của các nước trong khu vực, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành từ tháng 12/2015, rút ngắn 5 năm so với Nghị quyết của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2003 ở Bali (dự kiến thành lập vào năm 2020). Nhưng, bên cạnh những cơ hội khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, nước ta đang đứng trước nhiều thách thức.

Cộng đồng kinh tế ASEAN - cơ hội và thách thức
AEC sẽ được hình thành từ tháng 12/2015. Nguồn: internet

Ngày 20/11/2007 tại Singapore, lãnh đạo 10 nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã quyết định thay đổi Nghị quyết của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2003 ở Bali dự kiến sẽ thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2020. Cụ thể, lãnh đạo các quốc gia đã thống nhất cộng đồng này sẽ được hình thành từ tháng 12/2015. Quyết định này nhằm nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của cả khối ASEAN trước sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc, tạo ra một nền sản xuất và thị trường thống nhất của 600 triệu dân, với GDP đạt 1.900 tỷ USD.

Tất nhiên, cộng đồng kinh tế này khác với mô hình Liên minh châu Âu (EU), vì sẽ không sử dụng đồng tiền chung, kiểm soát hệ thống ngân hàng... Thực tế, các cam kết cho thấy, AEC sẽ chỉ vượt qua được mức liên minh thuế quan và có một số yếu tố của thị trường chung, chưa có chính sách kinh tế chung và cũng chưa có các cơ quan liên quốc gia như EU.

Ngược lại, quá trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được manh nha từ trong nhiều năm trước. Từ năm 1993, Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã được thành lập, các nước ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei) đã hầu như hoàn tất lộ trình cắt giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan, nên không còn không gian đáng kể nào thêm cho tự do hóa thương mại giữa các nền kinh tế ASEAN-6.

Còn với AEC, bốn nước thành viên là Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar sẽ phải cắt giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan cho hàng hóa và dịch vụ từ các nước ASEAN khác. Đây là cơ hội mà các nước ASEAN-6 đang nóng lòng chờ đợi, vì họ có thể mở rộng thị trường, tận dụng lao động và tài nguyên giá rẻ ở bốn quốc gia còn lại của khu vực AEC.

Một cơ hội khác khi tham gia AEC là việc các quốc gia cam kết cho phép tự do dịch chuyển của lao động có chứng chỉ đào tạo. 10 nước trong khu vực Đông Nam Á đã thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của mỗi nước thành viên đối với tám loại nghề nghiệp: bác sỹ, nha sỹ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch. Song, mỗi nước có quyền áp đặt những quy định của nước sở tại đối với sự dịch chuyển lao động này vào nước họ.

Nước ta có lợi thế về nguồn lao động trẻ đông đảo, khéo tay, học nhanh và làm việc chăm chỉ nếu được trả lương tương xứng. Tuy nhiên, lao động Việt Nam có nhược điểm là rất kém về kỷ luật lao động, kỹ năng sống và sẵn sàng chuyển việc nếu được hứa hẹn tiền lương cao hơn nơi đang làm. Trình độ chuyên môn và kỹ năng của lao động trong nước đa số chưa cao, đòi hỏi về lâu dài, ngành giáo dục và đào tạo lao động nước ta phải thay đổi mạnh mẽ.

Một thách thức khác với nước ta được TS. Lê Đăng Doanh chỉ rõ năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho năm 2014 - 2015 ở mức rất khiêm tốn và ít có cải thiện từ nhiều năm nay. Trong đó, xếp hạng về thể chế của nước ta thấp hơn rất nhiều so với xếp hạng về kinh tế, nền quản lý hành chính lạc hậu, nhiều thủ tục rườm rà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh, chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đến 872 giờ/năm để đóng thuế trong khi con số bình quân của dịch vụ đó ở các nước ASEAN-6 chỉ là 172 giờ/năm.

Mặt khác, những lợi thế cạnh tranh lâu nay của nước ta như lao động giá rẻ, xuất khẩu nông sản, dệt - may, da - giày... cũng trùng với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Vì vậy, gia nhập cộng đồng AEC, doanh nghiệp sẽ đứng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ doanh nghiệp nhiều quốc gia lân cận.

Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 76% doanh nghiệp Việt  không biết gì về ACE, 94% doanh nghiệp không hiểu rõ về nội dung đàm phán, 63% doanh nghiệp không hiểu về những cơ hội và thách thức khi tham gia AEC, trong khi Cộng đồng kinh tế ASEAN là một lộ trình hội nhập chắc chắn. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, doanh nghiệp đang phải vật lộn với khó khăn do sức mua thấp, hàng tồn kho cao, nợ xấu, nên chưa thể quan tâm đến những cơ hội, thách thức sắp đến. 

Thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN đang đến gần, các cơ quan chức năng cần xây dựng hệ thống chính sách để đón nhận những lợi ích và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, doanh nghiệp nước ta. Trong đó, thay vì những chính sách ưu đãi để giảm khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn, cần những cải cách quan trọng để có những doanh nghiệp nội mạnh, tạo cơ sở cho kinh tế phát triển bền vững.