Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và sân chơi mới
Với 30% tổng giá trị các khoản mục đầu tư dành cho các công ty liên kết chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, SSI đã chọn một cách “chơi” khác trên thị trường đầu tư.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ SSI (và cả Công ty NDH Việt Nam) tuy chỉ nắm chưa tới 10% vốn điều lệ của SSI – công ty có tới 12 năm dẫn đầu về thị phần trên thị trường chứng khoán, song vẫn được xem là linh hồn của công ty này. Ông là người được giới đầu tư nhìn nhận là rất cá tính và luôn tỏ rõ tham vọng dẫn đầu.
Không chấp nhận bế tắc
Không có tham vọng, ắt khó có thành công. Hẳn một người dày dạn kinh nghiệm thương trường như ông Nguyễn Duy Hưng càng không thể không có tham vọng. Những nước đi của SSI trong mấy năm gần đây cũng cho thấy, ông Hưng không phải là người dễ dàng đầu hàng khó khăn khách quan, chịu nằm im chờ thời hay bế tắc.
Năm 2011, sau nhiều năm dẫn đầu thị trường và lần đầu tiên SSI có kết quả kinh doanh quý thua lỗ, ông Hưng đã đưa ra một định hướng mới bất ngờ: bảo toàn vốn bằng đầu tư ra thị trường nước ngoài. Địa chỉ mà SSI chuyển vốn là thị trường địa ốc Mỹ, lúc đó đang được đánh giá đã chạm đáy và rất rẻ. Địa ốc Mỹ trở thành “hầm trú ẩn” cho đồng vốn của SSI.
Nói là làm, từ đó đến nay SSI đã có 6 tòa nhà cho thuê tại Mỹ. Hiện nguyên giá của các tòa nhà này được SSI ghi nhận là đạt gần 14 triệu USD, trong đó giá trị đất là trên 2,5 triệu USD, còn lại là giá trị nhà. Doanh thu từ hoạt động cho thuê các tòa nhà này trong năm 2012 đạt gần 12 tỷ đồng.
Như vậy, mặc dù danh mục bất động sản đầu tư được xem như một đích ngắm quan trọng của SSI thời khủng hoảng, song không thể lập tức ghi nhận doanh thu lớn, nếu so với tổng doanh thu của toàn công ty năm 2012 là khoảng 850 tỷ đồng. Chưa biết về dài hạn khoản đầu tư địa ốc tại Mỹ của SSI có cho ngày hái quả ngọt nhiều hơn không, song trong bối cảnh nền kinh tế đứng đầu thế giới vẫn đang trồi sụt (đặc biệt có nguy cơ khó khăn hơn nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định cắt chương trình nới lỏng định lượng QE3), thì SSI không dễ gì tiếp tục lựa chọn “bỏ trứng” vào giỏ này. Có lẽ bởi vậy mà năm 2013, SSI đã phác thảo cho mình một kịch bản kinh doanh mà định hướng mới được đưa ra là… đầu tư nông nghiệp.
Tham vọng Warren Buffett
Với sân chơi nông nghiệp, SSI không hẳn là một tay mơ, cho dù lĩnh vực chính của các nhà lãnh đạo SSI vẫn là tài chính. Bởi trước khi định hướng mới được tung ra, SSI cũng đã có khoảng thời gian khá dài đầu tư vào nông nghiệp thông qua các danh mục chứng khoán, và sâu sắc hơn là qua các công ty liên kết.
Vì lẽ đó, khó có thể nói rằng, một CTCK lão luyện trên thị trường như SSI đã sai lầm khi chọn cho mình một danh mục đầu tư tài chính ít thanh khoản. Với SSI, câu chuyện đầu tư giá trị dường như là một chuyển hướng hợp lý, họ chỉ chờ thời điểm đến. Nhìn danh mục liên kết của SSI, bao gồm các khoản đầu tư của cá nhân ông Hưng, Công ty Quản lý Quỹ SSI, Công ty TNHH MTV NDH Việt Nam, có thể thấy SSI đã chuẩn bị tâm thế ra sao cho việc chuyển hướng này.
Đặc trưng của đầu tư giá trị là tìm kiếm những cổ phiếu có thị giá thấp hơn giá trị thực của chúng để đầu tư trong dài hạn. 2/3 số công ty liên kết của SSI hiện nay đều có giá cổ phiếu thấp, ít thanh khoản như: CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), CTCP Giống cây trồng miền Nam (SSC), Transimex – Sài Gòn (TMS), Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF). Cũng như nhà đầu tư huyền thoại Warren Bufetts, có vẻ như ông Hưng không quan tâm sau vài năm nữa thị trường có nhận ra giá trị của mã chứng khoán đó hay không, mà là trong những năm tới các doanh nghiệp này sẽ kiếm ra bao nhiêu tiền.
Bản thân SSI cũng lý giải: “Việt Nam với các ngành chủ lực là nông, lâm, thủy sản và hàng tiêu dùng đã đạt được vị trí nhất định trên thị trường thế giới. Với thế mạnh là cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam trở thành một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng hỗ trợ cho sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, nhược điểm chung của các sản phẩm này là giá trị gia tăng thấp, chưa xây dựng được một thương hiệu mạnh, mang tính cạnh tranh với các sản phẩm của các nước trên thế giới”. Do đó năm 2012, SSI đã đầu tư vào 9 công ty liên kết và tính tới tháng 3/2013 số công ty này đã lên tới 11 (vào tháng 5/2013, SSI đã thoái vốn toàn bộ khỏi CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (ABT), nhưng ABT vẫn có liên quan do PAN nắm giữ trên 50% cổ phần của ABT).
SSI cho rằng: “Các công ty liên kết này là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và hàng tiêu dùng, đều là các doanh nghiệp dẫn đầu ngành. Đây là các công ty có tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ổn định, mức chi trả cổ tức cao; sản phẩm chất lượng có khả năng cạnh tranh trên thị trường; đội ngũ ban lãnh đạo được đào tạo bài bản, có định hướng chiến lược rõ ràng và chính sách quản trị công ty minh bạch”. SSI dẫn ra một số điển hình như CTCP Giống cây trồng Trung ương với 5 năm liên tục có lợi nhuận sau thuế tăng trung bình 52%/năm và chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức 30% mệnh giá một năm; hay CTCP XNK Thủy sản Bến Tre tăng trưởng trên 15%/năm và trả cổ tức đến 60% mệnh giá… Như vậy, lựa chọn một sân chơi mới xem ra đã là quyết tâm của SSI.
Dao hai lưỡi
Nhưng từ quyết tâm đến hành động, biến tham vọng “đồng hành và phát triển cùng các đối tác” thành hiện thực là cả một con đường dài.
Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, một thạc sĩ tài chính cho rằng, hiệu quả của việc lựa chọn đầu tư vào nông nghiệp dài hạn của SSI sẽ phụ thuộc vào chuyện SSI có khả năng hỗ trợ các công ty liên kết tới mức độ nào, cả ở góc độ góp vốn, hỗ trợ huy động tài chính, tới hoạch định chiến lược để bành trướng và đạt giá trị tăng trưởng cao hơn.
Nếu SSI đủ tiềm lực hỗ trợ các công ty liên kết cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, cũng như với lĩnh vực thủy sản, nếu SSI đủ tiềm lực để gắn kết và phát triển các công ty trong một chuỗi giá trị như định hướng đã nêu (hoặc cụ thể lấy Công ty Pan Pacific chẳng hạn, đằng sau vẫn là SSI), làm tâm điểm để từ đó lan tỏa các giá trị trong chuỗi như Hùng Vương Group thì hiệu quả sẽ rất cao. Nhưng nếu ngược lại, SSI đầu tư chỉ ở mức cầm chừng và không đủ khả năng nắm quyền kiểm soát các công ty liên kết thì việc đầu tư, phân bổ nguồn lực dàn trải sẽ khiến giá trị các công ty mà SSI đầu tư không đạt được như kỳ vọng. SSI sẽ dính “bẫy thanh khoản” của chính mình và cũng khó có cơ hội sinh lời lớn khi thoái vốn, dù là dài hạn”, ông Hoàn nhận định. Liệu sự lão luyện của một người luôn đi trước thị trường như ông Hưng, cộng với rất nhiều cộng sự chuyên nghiệp, có đủ để SSI luôn giữ cho mình ở thế “nắm đằng chuôi”?