Covid-19, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sẽ ra sao?

PV.

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng trên thế giới. Vậy, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã và sẽ chịu tác động như thế nào từ dịch bệnh?

Cải tiến cơ bản cần phải có là một hệ thống đại lý bảo hiểm tốt hơn, bán đúng sản phẩm và dịch vụ khách hàng tốt hơn.
Cải tiến cơ bản cần phải có là một hệ thống đại lý bảo hiểm tốt hơn, bán đúng sản phẩm và dịch vụ khách hàng tốt hơn.

Covid-19 làm tăng nhu cầu về bảo hiểm

Theo ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TC Advisors, đối với mảng bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe ở các nước trên thế giới, dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu về bảo hiểm bởi người dân nhận thức rõ hơn về sức khỏe và chăm sóc y tế.

Ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TC Advisors
Ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TC Advisors

Theo thống kê, có gần 30 triệu người đã nhiễm Covid-19 và gần 1 triệu người đã chết. Hậu quả lâu dài của những người đã hồi phục vẫn chưa chắc chắn, từ tổn thương phổi và não rất nặng cho đến tác động nhỏ nhất. Những người nhiễm bệnh có thể phải chăm sóc đặc biệt dài hạn, tốn kém về chi phí. Tuy nhiên, các hợp đồng bảo hiểm đang chi trả rất nhiều quyền lợi để trang trải các chi phí này cho khách hàng.

Ông Chung Bá Phương cho biết, tổng phí bảo hiểm từ các thị trường như Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Canada, Mỹ không giảm nhiều và các thị trường Châu Á vẫn đang tăng trưởng tính đến 6 tháng đầu năm 2020 so với năm 2019. Ngành bảo hiểm toàn cầu đã trở nên chuyên nghiệp với sự tư vấn, duy trì sản phẩm phù hợp cho khách hàng, quyền lợi bảo hiểm được chi trả nhanh chóng. Đây là lý do chính khiến ngành bảo hiểm toàn cầu không tăng trưởng chậm lại mà đi vào nề nếp cùng với số hóa và tăng cường sử dụng công nghệ đã giúp đáp ứng và giải quyết các vấn đề của khách hàng để giảm bớt tác động của việc lây lan Covid-19.

Thay đổi để thích ứng

Về thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TC Advisors thẳng thắn nhận định, thực tế ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam phát triển chưa khỏe mạnh, cái nhìn của người dân Việt Nam vẫn chưa thực sự cởi mở với ngành bảo hiểm nhân thọ. Thực tế xảy ra nhiều trường hợp khách hàng mua hợp đồng mới nhưng không giữ những hợp đồng hiện có dẫn đến thiệt hại hoặc từ bỏ hợp đồng vì bán sai. Do đó, doanh số từ hợp đồng mới vẫn tăng nhưng tỷ lệ hủy bỏ tiếp tục tăng nhanh hơn. Covid-19 đã và đang làm lộ diện các vấn đề về chất lượng đại lý bảo hiểm nhưng lại giúp các công ty tốt khác biệt hóa trên thị trường.

Covid-19 sẽ giúp người dân quan tâm nhiều hơn về sức khỏe, gia đình... Điều này sẽ dẫn đến một ngành bảo hiểm mạnh hơn nhưng không phải tất cả công ty bảo hiểm sẽ tồn tại và thay đổi hoạt động so với như trước đây. Theo ông Chung Bá Phương, những công ty cung cấp các sản phẩm, tư vấn và dịch vụ có giá trị cho khách hàng cũng như thích ứng với công nghệ thông tin sẽ là "người chiến thắng".

"Covid thì cần vacxin. Còn thị trường bảo hiểm thời Covid, hậu Covid sẽ không có cách sửa chữa nhanh chóng như vacxin nếu các công ty bảo hiểm tiếp tục chạy theo doanh số và chấp nhận sự hài lòng của khách hàng kém." - ông Chung Bá Phương nhấn mạnh. Do đó, cải tiến cơ bản cần phải có là một hệ thống đại lý tốt hơn, bán đúng sản phẩm và dịch vụ khách hàng tốt hơn; các sản phẩm bảo hiểm phải là quan trọng đối với khách hàng, loại bỏ những sản phẩm không cung cấp giá trị cho khách hàng.