CPI tháng 7 tiếp tục tăng

Theo daibieunhandan.vn

Đúng như dự đoán của các chuyên gia kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của cả nước đã tăng 0,27% so với tháng trước, đưa CPI 7 tháng qua tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2012 và là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

CPI tháng 7 tiếp tục tăng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số CPI tháng 7/2013. Theo đó, CPI tháng này đã tăng 0,27% so với tháng 6. Như vậy, 7 tháng qua, CPI tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2012. Ngoại trừ nhóm viễn thông giữ giá, các nhóm còn lại đều tăng từ 0,05-1,34%. Trong đó, nhóm giao thông tăng mạnh nhất ở mức 1,34% do ảnh hưởng từ giá xăng dầu được điều chỉnh 2 đợt (vào ngày 14 và 28/6/2013). Mỗi lít xăng tăng 780đ, dầu diezel tăng 590đ/lít, khiến chỉ số giá nhóm xăng dầu tăng 2,38% so với tháng 6, đóng góp vào mức tăng CPI chung là 0,09%. Điểm đáng lưu ý nhất trong diễn biến của CPI tháng 7 là chỉ số giá mặt hàng thực phẩm. Sau 4 tháng giảm liên tục từ sau Tết Nguyên đán, chỉ số giá thực phẩm đã tăng 0,18% so với tháng trước bởi thời tiết nắng nóng làm tăng nhu cầu tiêu dùng rau quả, thủy hải sản tươi sống.

Cùng với việc nới lỏng tỷ giá thêm 1% từ ngày 28/6 và việc điều chỉnh mức lương tối thiểu của khu vực hành chính, sự nghiệp từ 1.050.000 đồng lên 1.150.000 đồng kể từ ngày 1/7 không chỉ có tác động cải thiện sức mua của người tiêu dùng mà còn tạo ra hiệu ứng lương tăng - giá tăng của người bán hàng. Vì vậy, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tốc độ tăng CPI tháng 7 cao hơn hẳn mức tăng 0,05% của CPI tháng 6. Nhìn nhận rủi ro lạm phát từ góc độ chính sách tiền tệ, chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành lại cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ liên ngân hàng tăng 1% từ ngày 28/6 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo động lực cho xuất khẩu nhưng cũng là “con dao hai lưỡi” bởi sản xuất hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc khoảng 80% vào nguyên liệu nhập khẩu nên giá hàng nguyên liệu nhập khẩu tăng thì giá thành sản xuất cũng tăng và giá bán đến tay người tiêu dùng tất yếu sẽ tăng. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ tác động trực tiếp vào nhiều loại hàng hóa thiết yếu mà Việt Nam vẫn lệ thuộc lớn vào nhập khẩu như thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi.

Nhận xét về mức độ tăng giá tiêu dùng trong 7 tháng qua, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Nguyễn Đức Thắng cho rằng, mức tăng CPI trong 7 tháng qua vẫn trong tầm kiểm soát và dư địa từ nay đến cuối năm còn khá lớn, do đó mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 8% là có thể đạt được. Khi CPI giữ ở mức tăng thấp và ổn định, lãi suất huy động và cho vay sẽ được giữ ở mức thấp, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất… sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng, qua đó kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, đà tăng lần này của tháng 7 đã đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp CPI tăng trở lại, với tháng 6 tăng 0,05% so với tháng 5 và tăng 6,69% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong vòng nửa năm qua, và tăng hơi sớm so với đồ thị tăng trung bình.

Dự báo CPI tháng 8, các chuyên gia kinh tế cho rằng, CPI tháng 8 chắc chắn vẫn giữ đà tăng. Dự báo này có được là do ảnh hưởng từ đợt tăng giá xăng dầu ngày 17/7. Ngay sau khi xăng dầu tăng giá vài ngày, giá thực phẩm tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đã tăng nhẹ. Đó là chưa kể một số loại hình dịch vụ khác, đặc biệt là giao thông vận tải cũng đang có xu hướng tăng giá. Thêm vào đó, tại Hà Nội, từ 1/8 sẽ có tới hơn 700 loại dịch vụ y tế điều chỉnh tăng giá, khả năng tác động tới CPI rất lớn.