CPTPP xem xét kết nạp thành viên mới
Với đủ 6 nước phê chuẩn, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực thực thi từ cuối tháng 12 tới. Trong bối cảnh đó, các quốc gia thành viên bắt đầu tính tới khả năng mời Thái Lan và một số nước khác tham gia hiệp định thương mại này.
Mở rộng khối thương mại tự do
Theo báo Nikkei Asian Review, các đại diện quan chức Chính phủ của 11 quốc gia thành viên CPTPP sẽ nhóm họp tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, sớm nhất vào tháng 1/2019, nhằm quyết định các thủ tục kết nạp thành viên mới.
Trước đó, Thái Lan đã nhiều lần thể hiện sự quan tâm tới CPTPP, khi Chính phủ nước này tiến hành đánh giá những lợi ích và tổn thất nếu có của việc tham gia hiệp định thương mại này trong ít nhất 3 năm qua.
Tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói với báo giới sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusstipitak rằng, Thái Lan đã nói rõ nước này muốn tham gia CPTPP càng sớm càng tốt. Ông Jatusripitak cho biết, trong lúc Mỹ - Trung Quốc khiến nền kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên mơ hồ, việc tham gia hiệp định này có ý nghĩa quan trọng.
Bên cạnh Thái Lan, nhiều quốc gia và nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Anh, Philippines và Đài Loan cũng ngỏ ý mong muốn tham gia hiệp định.
Báo Nikkei Asian Review dẫn lời Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong Yeon, “Với việc tham gia các hiệp định thương mại đa phương, chúng tôi muốn ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại”.
Kết quả khảo sát do Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tiến hành cho thấy, các công ty Hàn Quốc, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ ủng hộ mạnh mẽ Seoul xúc tiến đàm phán gia nhập CPTPP. Trong khi đó, Anh cũng lên kế hoạch đàm phán gia nhập CPTPP sau khi ra khỏi Liên minh châu Âu vào tháng 3/2019.
Dẫn đầu mặt trận chống bảo hộ
Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP đầu năm 2017 và không ngừng leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các thành viên của CPTPP cũng hy vọng, việc tăng thành viên sẽ giúp củng cố khối thương mại tự do, vốn được coi là “thành lũy chống lại chủ nghĩa bảo hộ”.
Sau khi Australia trở thành nước thứ 6 phê chuẩn CPTPP vào tháng trước, quá trình đếm ngược 60 ngày đến thời điểm hiệp định có hiệu lực và các nước thành viên thực hiện đợt cắt giảm thuế quan đầu tiên.
Với các nước đã phê chuẩn, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia, hiệp định sẽ có hiệu lực từ cuối năm 2018. Về phần các thành viên còn lại như Việt Nam, Malaysia, Chile, Peru và Brunei, hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được thông qua trong nước.
CPTPP sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chiếm 13,5% GDP thế giới. Hiệp định sẽ thống nhất quy định thương mại giữa các nước và được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.
Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP), chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng sẽ khiến nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển chậm lại.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nếu các rào cản thương mại hoàn toàn được dỡ bỏ thì các nước đang phát triển có thể tăng thu nhập ngân sách và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.