Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Theo Phương Nhung/nld.vn

Sáng nay 2/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: Quochoi.vn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: Quochoi.vn

Theo tờ trình, việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương.

"Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh" - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Ngoài thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế… Đặc biệt, việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với quy định về lao động, minh bạch hoá, chống tham nhũng… đòi hỏi Việt Nam chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để phù hợp với điều ước quốc tế nhưng đảm bảo sự vững chắc ổn định chính trị - xã hội.

"Với những cam kết đã đủ rõ, đủ chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp hiệp định này" - Chủ tịch nước nêu rõ.

Trình bày báo cáo thuyết minh về hiệp định, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá đàm phán về cơ bản đảm bảo được các lợi ích cốt lõi của Việt Nam cũng như dành được nhiều bảo lưu, linh hoạt để thực thi hiệu quả, có lợi.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, về mặt kinh tế, thị trường các nước CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

"CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% - thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi" - báo cáo thuyết minh của Chính phủ nêu.

Chính phủ cũng đánh giá CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000; Dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo (ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày).

Tuy nhiên, CPTPP cũng mang đến nhiều thách thức khi mở cửa thị trường 3 nước Canada, Mexico và Peru. Xét theo mặt hàng, thịt heo, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Ngoài ra, một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô... Tuy nhiên, Chính phủ cũng khẳng định có nhiều giải pháp để khắc phục các thách thức.

Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP cũng có thể làm cho một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng do cơ cấu xuất nhập khẩu của phần lớn các nền kinh tế trong CPTPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam nên tác động chỉ mang tính cục bộ, ngắn hạn.

Thách thức trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin thể hiện ở chỗ trong và sau lộ trình 5 năm, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch, biện pháp thực thi các nghĩa vụ của CPTPP, Luật An ninh mạng, cũng như một số văn bản pháp luật khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc lưu chuyển thông tin và đặt máy chủ tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực lao động, Chính phủ nêu rõ: Về cơ bản, CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động mà với tư cách là thành viên của ILO, tất cả các thành viên CPTPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi.

Đối với những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, về cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của hiệp định.

Chính phủ đánh giá thách thức trong lĩnh vực lao động liên quan đến việc sửa đổi luật pháp về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và sự quản lý của nhà nước để đảm bảo hoạt động của các tổ chức này tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc "tuân thủ pháp luật của nước sở tại" đã nêu trong Công ước 87 của ILO, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội, động lực cho các tổ chức Công đoàn đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn.