Cửa hàng tiện lợi trỗi dậy
Với mức tăng trên 10% mỗi năm và đạt doanh thu 150 tỷ USD trong năm 2018, thị trường bán lẻ đầy sôi động và tiềm năng, đặc biệt trong phân khúc cửa hàng tiện lợi.
Rất tiềm năng
Năm 2018 được xem là năm thay đổi chưa từng có của kênh thương mại hiện đại, đặc biệt là phân khúc cửa hàng tiện lợi khi điểm bán tăng mạnh mẽ.
Ngay trong ngày cuối năm 2018 (ngày 31/12), chuỗi VinMart+ của Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp VinCommerce (thuộc Vingroup) đã đồng loạt mở 117 điểm bán mới tại nhiều tỉnh thành, nâng tổng số cửa hàng của chuỗi này lên con số 1.700. Chuỗi Bách hóa Xanh của Công ty CP Thế Giới Di Động cũng kết thúc năm 2018 bằng mốc 405 điểm bán, tăng mạnh so với năm 2017.
Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng có thêm hàng chục điểm bán mới của chuỗi Co.op Food bằng cả 2 hình thức: nhượng quyền và mở trực tiếp...
Bên cạnh đó, các chuỗi Cheers, Co.op Smile của đơn vị này cũng tăng nhanh số lượng điểm bán. Trong khi đó, VinMart+ đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ có hơn 5.000 cửa hàng với doanh thu tăng 8 lần so với năm 2017, đạt trên 3,7 tỷ USD doanh thu.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước liên tục mở chuỗi thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tục thâm nhập thị trường Việt Nam. Năm 2018, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự gia nhập của một số tên tuổi lớn như GS25 (thương hiệu của Hàn Quốc do Sơn Kim đưa về), Fujimart (thương hiệu Nhật Bản, liên doanh với Tập đoàn BRG).
Trước đó, trong năm 2017, thương hiệu bán lẻ nổi tiếng thế giới là 7-Eleven cũng đã gia nhập thị trường. Mang những sản phẩm độc quyền từ Hàn Quốc vào Việt Nam, GS25 đặc mục tiêu mở 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm. Tuyên bố của GS25 tương tự như "gã khổng lồ" 7- Eleven khi công bố mở 100 cửa hàng tại Việt Nam sau 3 năm và 1.000 cửa hàng sau 10 năm có mặt tại Việt Nam.
Dự báo của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường sẽ tăng gần 180 tỷ USD vào năm 2020. Đến năm 2020, theo quy hoạch cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Hiện Việt Nam có hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi và kênh bán lẻ này sẽ còn tăng trưởng mạnh.
Theo nghiên cứu của Hãng tư vấn A.T.Kearney (Mỹ), Việt Nam đứng thứ 6 toàn cầu về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ, trong đó, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang rất "nóng".
Còn theo Nielsen Việt Nam, kênh thương mại hiện đại đang có sự dịch chuyển tích cực, đặc biệt là các cửa hàng nhỏ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng trong vài năm qua. Cụ thể, các chuỗi như Cirle K, FamilyMart, Bs Mart, 7-Eleven, GS25... đã tăng gấp 4 lần (tính đến tháng 9/2018) về điểm bán.
Đánh giá về xu hướng phát triển mô hình cửa hàng tiện lợi, ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng đây là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu nhanh, sử dụng nhanh và thời gian mở cửa nhiều hơn cửa hàng truyền thống.
Cạnh tranh quyết liệt
Theo báo cáo của Nielsen về xu hướng mua sắm toàn cầu công bố hồi tháng 11/2018, người Việt trung bình mua sắm tại cửa hàng tiện lợi 4,5 lần mỗi tháng, tăng mạnh so với cách nay 8 năm. Đây cũng là kênh mua sắm có tốc độ tăng nhanh nhất trong 8 năm qua.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang - Trưởng bộ phận nghiên cứu tư vấn Savills TP.HCM, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang hưởng lợi từ những thuận lợi về kinh tế vĩ mô như tốc độ kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, mức sống đang cải thiện, dân số tăng trưởng đều, trong đó dân số trẻ trí thức và xu hướng sống tự lập chiếm tỷ trọng lớn. Do đó, ngành bán lẻ hiện đại đang tăng dần sức ảnh hưởng và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển.
Tiềm năng và tăng trưởng mạnh như thế nhưng kênh phân phối này cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt của các ông lớn đang có mặt lâu năm trên thị trường như Circle K, Shop & Go, Ministop, BS Mart... và các đại gia mới đặt chân vào Việt Nam như 7-Eleven, GS25. Nhưng không phải đơn vị nào cũng đạt được kết quả như mong muốn.
Chia sẻ thực tế làm việc với các nhà phân phối, bà Nguyễn Thị Thu Trinh - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, đơn vị cung cấp thực phẩm đông lạnh và thực phẩm tươi cho hầu hết các chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện nay cho biết, các chuỗi mở điểm bán cũng nhanh mà đóng cửa cũng nhanh.
Một điều trở ngại cho kế hoạch mở rộng chuỗi của các doanh nghiệp là vấn đề mặt bằng. Hiện nay, tìm được mặt bằng đáp ứng được các yêu cầu của mô hình cửa hàng tiện lợi không dễ. Chí phí mặt bằng quá cao khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn. Vì thế, cho dù phát triển nhanh và nhiều nhưng không hẳn doanh nghiệp nào cũng có lãi.
Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho rằng, trên lý thuyết, phải mất từ 3 - 5 năm thì một cửa hàng tiện lợi mới có thể mang lại hiệu quả và nhà bán lẻ phải đạt con số 500 cửa hàng trở lên mới tối ưu hóa chi phí. Vì vậy trong cuộc đua này, doanh nghiệp nào có vốn mạnh, nghiên cứu kỹ thị trường trước khi mở điểm bán sẽ có nhiều lợi thế.
Cạnh tranh là thế nhưng các chuyên gia cho rằng, cơ hội vẫn còn nhiều cho những thương hiệu đến sau, nhất là những doanh nghiệp biết ứng dụng công nghệ, tạo sự khác biệt và mang nhiều giá trị cộng thêm cho khách hàng. Bởi theo tính toán của Hãng nghiên cứu thị trường Decision Lad, đến năm 2020, số lượng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam sẽ tăng lên mức 17.815 người/cửa hàng.