Cục Thuế Hưng Yên: Thu đạt khá trong 6 tháng đầu năm
Qua 6 tháng đầu năm, tổng thu nội địa do cơ quan Thuế quản lý trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ước đạt 7.570 tỷ đồng, bằng 74,26% dự toán.
Theo báo cáo của Cục Thuế Hưng Yên, 6 tháng đầu năm 2021, tổng thu nội địa do cơ quan thuế quản lý trên địa bàn ước đạt 7.570 tỷ đồng, bằng 74,26% dự toán, bằng 71,4% so với dự toán phấn đấu, tăng 53,28% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 10/15 khoản thu, sắc thuế ước đạt từ 50% trở lên; 13/15 khoản thu, sắc thuế tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, một số khoản thu, sắc thuế có đóng góp cao vào kết quả số thu ngân sách như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương ước tính 103 tỷ đồng, đạt 57,22% dự toán và tăng 15,56% so với cùng kỳ; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.028 tỷ đồng, tăng 24,12% so với cùng kỳ; thu ngoài quốc doanh được 2.060 tỷ đồng, đạt 58,86% dự toán và tăng 81,6% so với cùng kỳ; thu từ thuế thu nhập cá nhân ước được 615 tỷ đồng, đạt 68,33% dự toán và tăng 19,38% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất được 3.000 tỷ đồng, vượt 42,86% dự toán, tăng 75,87% so với cùng kỳ; lệ phí trước bạ được 227 tỷ đồng, đạt 61,02% dự toán, tăng 35,15% so với cùng kỳ...
Theo Cục Thuế Hưng Yên, trong 6 tháng số thu cơ quan Thuế quản lý trên địa bàn vẫn đạt cao chủ yếu là nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giữ được nhịp tăng trưởng ổn định. Trong đó, hai chỉ tiêu tổng thu và tổng thu sau khi trừ tiền sử dụng đất, xổ số trên địa bàn Tỉnh đều đạt khá so với dự toán và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, dự báo dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, sẽ có tác động không nhỏ tới nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2021. Trước tình hình đó, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Cục Thuế Hưng Yên yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, đánh giá và tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách, cải cách hành chính nhằm thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo, dự toán, đảm bảo thực chất vai trò tham mưu, tổng hợp trong công tác chỉ đạo điều hành thu ngân sách. Đánh giá, phân tích nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, tổng hợp kịp thời kết quả thu và dự báo thu hàng tháng, quý sát với thực tế; tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách thuế mới; chính sách thuế sửa đổi, bổ sung...
Đặc biệt, cần đổi mới phương thức và đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mang tính giáo dục, thuyết phục cao nhằm đem lại hiệu quả thiết thực theo định hướng cải cách, hiện đại hoá của Nngành.
Ngoài ra, cơ quan thuế cũng sẽ thường xuyên phối hợp đối chiếu, xác minh về người nộp thuế được cấp đăng ký kinh doanh -mã số thuế để quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế; tăng cường đôn đốc, hướng dẫn kê khai thuế kịp thời, đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra tại bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp...
Tiếp tục rà soát và tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu rủi ro cao như: các doanh nghiệp hoàn thuế, có hoạt động liên kết, doanh nghiệp có giao dịch đáng ngờ và doanh nghiệp có ưu đãi, miễn giảm thuế, các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng, thương mại điện tử.
Đồng thời, chấn chỉnh công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh; theo dõi chặt chẽ sự biến động của các khoản nợ thuế, tổ chức đôn đốc thu ngay các khoản nợ mới phát sinh, tránh tình trạng để tuổi nợ dài gây khó khăn trong việc thu nợ thuế.
Cùng với đó, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp nợ thuế để lắng nghe giải trình nguyên nhân, tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và động viên các doanh nghiệp nộp số thuế nợ vào ngân sách nhà nước.