Củng cố, kiện toàn, tăng hiệu quả biện pháp kê khai giá
Bộ Tài chính đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành sau 9 năm thực hiện. Một trong những nội dung được đề xuất trong dự thảo lần này là gộp quy định về đăng ký giá với kê khai giá và bỏ quy định đăng ký giá. Đề xuất này nhằm củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả biện pháp kê khai giá, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện nay.
Nhiều bất cập trong thực tiễn hiện hành
Theo quy định hiện hành, biện pháp kê khai giá tại Luật giá quy định kê khai chỉ là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa thuộc danh mục kê khai giá; Doanh nghiệp có trách nhiệm bán hàng hóa, dịch vụ theo mức giá đã kê khai (có thể tăng, giảm trong phạm vi 5%); Giảm sát biến động chi phí, yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng đặc thù này thông qua công tác kê khai giá.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, các quy định về cơ chế giám sát thực hiện, cơ chế kiểm soát hoạt động kê khai giá, và nhất là việc xử lý của cơ quan tiếp nhận kê khai khi phát hiện trường hợp điều chỉnh giá bất hợp lý là chưa cụ thể, rõ ràng nên không phát huy hết hiệu quả của cơ chế này.
Về danh mục kê khai giá, số lượng mặt hàng hiện đang quy định kê khai giá là khá nhiều, tổng là 26 mặt hàng (trong đó có 11 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá). Tuy nhiên, trong thực tế thi hành chưa thể hiện rõ ràng hiệu quả của công tác kê khai giá; kết quả xử phạt trong lĩnh vực kê khai giá còn hạn chế.
Về mức giá kê khai, thời điểm kê khai và hình thức kê khai theo quy định hiện hành đã có hạn chế nhất là đối với một số mặt hàng có đặc điểm rất đa dạng, phong phú về chủng loại, tên thương mại nên khi thực hiện kê khai danh mục kê khai của một mặt hàng sẽ rất khó khăn.
Mặt khác, nếu tiếp tục áp dụng thời điểm kê khai trước khi mua bán hàng hóa là không phù hợp với thực tiễn hiện nay, làm giảm tính chủ động của doanh nghiệp, nhất là yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khi yếu tố giá hàng hóa, dịch vụ thường phải đưa ra quy định kịp thời với xu hướng thị trường tại một thời điểm nhất định.
Đối với biện pháp đăng ký giá - một trong các biện pháp để thực hiện bình ổn giá, trong trường hợp Chính phủ áp dụng biện pháp bình ổn giá và sử dụng biện pháp đăng ký giá thì tổ chức sản xuất, kinh doanh phải thực hiện gửi bản đăng ký giá (bao gồm cả việc giải trình về các yếu tố chi phí hình thành giá) để cơ quan quản lý rà soát. Tuy vậy, Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng biện pháp đăng ký giá đến nay rất hạn chế, mới chỉ thực hiện 01 lần đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, do nhiều bất cập.
Cụ thể, theo phân tích từ chính sách đã đề cập, việc thực hiện bình ổn giá rất hạn chế nên kéo theo việc triển khai các biện pháp nằm trong bình ổn giá cũng không được áp dụng nhiều trong thực tiễn. Trong khi đó, bản thân biện pháp đăng ký giá có đặt ra chế định kiểm soát của nhà nước nhưng khó khả thi vì những phức tạp về yếu tố cấu thành giá, chi phí đặc thù... rất khó xác định, đánh giá theo chuẩn mực. Các quy định chi tiết tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP mới chỉ quy định về quyền tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá mà chưa có các quy định về kiểm soát hoặc chế tài xử lý kèm theo.
Về mặt hình thức, 2 biện pháp kê khai giá, đăng ký giá có tính chất tương đồng cao, chỉ khác nhau việc báo cáo, giải trình các yếu tố hình thành giá với cơ quan quản lý.
Nâng cao hiệu quả của hoạt động kê khai giá
Để củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả của hoạt động kê khai giá là một biện pháp quản lý, theo dõi nắm bắt thông tin về giá, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất gộp quy định về đăng ký giá với kê khai giá và bỏ quy định đăng ký giá.
Theo đó, tăng cường biện pháp kê khai giá để có cơ chế kiểm soát hoạt động này; gắn với đó là danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai và giao Chính quy định cụ thể, đồng thời đẩy mạnh phân công, phân cấp trong tiếp nhận kê khai giá.
Dự thảo Luật đã quy định rõ kê khai giá là biện pháp tiếp nhận thông tin để phục vụ cho việc theo dõi diễn biến giá cả thị trường, phục vụ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết cũng như là một trong các nguồn thông tin phục vụ cho cơ sở dữ liệu về giá.
Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những bất cập hiện hành, tại dự thảo Luật cũng đã quy định việc kê khai được tổ chức sản xuất, kinh doanh thực hiện sau khi quyết định giá nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn triển khai tại đơn vị thay cho quy định hiện hành là việc kê khai phải được thực hiện trước khi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh quyết định giá hàng hóa, dịch vụ. Đây là một trong những thay đổi căn bản trong biện pháp kê khai giá nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện kê khai.
Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, bên cạnh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu, giá tham chiếu sẽ phải thực hiện kê khai giá khi tổ chức, cá nhân tự quyết định giá thì một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác cũng sẽ phải thực hiện kê khai giá do Chính phủ quy định trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ ban ngang Bộ.
Trên cơ sở đó, tại Nghị định sẽ quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá. Trong đó sẽ giảm bớt danh mục so với hiện hành để tập trung vào các mặt hàng thật sự quan trọng, thiết yết.
Việc tiếp nhận kê khai cũng được thể chế rõ ràng hơn, khuyến khích việc áp dụng cơ sở dữ liệu tích hợp hoặc các ứng dụng công nghệ thông tin để kê khai và tiếp nhận kê khai giá, đảm bảo phù hợp với định hướng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về giá.
Bên cạnh đó, với vai trò là một hình thức công khai về giá nhằm tăng cường tính minh bạch trong mua, bán trên thị trường, các quy định về niêm yết giá cũng được Luật hóa từ Nghị định nhằm tăng tính pháp lý cho việc tổ chức thực hiện. Theo đó, tại dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định hiện hành song cũng quy định chi tiết hơn đối với một số nội dung phải thực hiện niêm yết cũng như quyền, trách nhiệm của các bên mua, bán trên thị trường.
Việc gộp quy định về đăng ký giá với kê khai giá và bỏ quy định đăng ký giá sẽ góp phần bảo đảm được quyền và lợi ích của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong việc tự định giá và tăng hiệu quả giám sát của Nhà nước; giảm bớt thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.