Củng cố sân sau
(Tài chính) Mặc dù nền kinh tế đang đối mặt với khó khăn chồng chất liên quan tới các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu mỏ giảm mạnh, Nga vẫn có một động thái khá bất ngờ khi xóa nợ gần 1 tỷ USD cho Uzbekistan. Dường như Moscow đang củng cố sân sau của mình trong bối cảnh Ukraine đang ngày càng xa rời vòng tay Nga.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov và người đồng cấp Uzbekistan Rustam Azimov đã ký Hiệp định giải quyết những khiếu nại và nghĩa vụ tài chính, cũng như xem xét việc Moscow xóa khoản nợ 865 triệu USD cho Tashkent. Theo đó, hai bên nhất trí Uzbekistan sẽ chỉ phải trả Nga 25 triệu USD, phần còn lại của khoản nợ sẽ được Moscow “xóa hoàn toàn”. Việc Nga quyết định xóa khoản nợ lớn cho Uzbekistan là nhằm tạo điều kiện để nước này có thể gia nhập Khu vực Thương mại tự do (FTA) của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC). Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí để Tập đoàn dầu mỏ Lukoil của Nga đầu tư khoảng 5 tỷ USD vào Uzbekistan trong giai đoạn từ nay đến năm 2039. Đây là một kết quả quan trọng trong chuyến công du Uzbekistan của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Có thể thấy rõ điểm nhấn trong chuyến công du của Tổng thống Putin đến Uzbekistan chính là các vấn đề kinh tế trong khi vấn đề chính trị bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Từ những thỏa thuận trong chuyến đi này, có thể thấy rõ xu hướng tăng cường hợp tác giữa Nga và Uzbekistan đã được vạch ra trong một thời gian dài.
Theo Trợ lý của Tổng thống Nga Yury Ushakov, Moscow hy vọng việc xóa nợ cho Taskent sẽ giúp mở ra các nguồn tín dụng mới, cụ thể trong lĩnh vực buôn bán vũ khí. Tại các cuộc đàm phán, ông chủ Điện Kremlin cũng bày tỏ hy vọng giới chức hai nước sẽ ủng hộ việc tăng cường hợp tác kỹ thuật-quân sự song phương. Trong khi đó, Tổng thống Uzbekistan Karimov cũng khẳng định lập trường “ủng hộ các kế hoạch mở rộng quan hệ trong lĩnh vực quan trọng nói trên, đặc biệt là thông qua việc thực hiện các chương trình dài hạn đã được ký kết giữa hai bên trước đây”.
Hợp tác kỹ thuật-quân sự luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong mối quan hệ hợp tác Nga-Uzbekistan. Trái với xu hướng khuôn mẫu hiện nay, quân đội và lực lượng an ninh Uzbekistan thời hậu Xô Viết đặc biệt ưa chuộng vũ khí Nga. Có thể nói, bên cạnh vấn đề kinh tế, tăng cường hợp tác kỹ thuật-quân sự cũng giành được sự quan tâm nhất định trong thời gian ông Putin ở thăm Tashkent. Điều này cũng là dễ hiểu, bởi ngay từ những năm 1990, Nga và Uzbekistan cũng từng duy trì mối quan hệ hợp tác liên quan tới các vấn đề ở Afghanistan.
Tại các cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận tình hình Afghanistan, cho rằng việc Mỹ vẫn tiếp tục sự hiện diện quân sự tại nước này, dù là dưới hình thức nào cũng chỉ làm tình hình thêm trầm trọng. Đây cũng chính là lý do vì sao Nga và Uzbekistan đặc biệt mong muốn đẩy mạnh hợp tác quân sự, để có thể đối phó với các mối đe dọa có thể có từ bên kia biên giới của Uzbekistan. Điều này được cho là sẽ góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định tại khu vực Trung Á.
Có thể thấy rõ, đối với nước Nga việc củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và kỹ thuật-quân sự với Uzbekistan tại thời điểm hiện nay là rất quan trọng. Điều đó không có nghĩa là các vấn đề chính trị, mặc dù không được đặc biệt xem trọng, đã bị bỏ qua. Ngược lại, củng cố hợp tác kỹ thuật-quân sự, tăng cường sức mạnh kinh tế chính là chìa khóa giải quyết các vấn đề chính trị, để nâng vị thế của Nga trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Moscow đang bị cô lập về kinh tế và chính trị.
Nói rộng ra, Nga muốn hướng tới Trung Á - một vị trí chiến lược quan trọng, đã và đang là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Những sự kiện tại Ukraine đã đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng liên quan tới cách tiếp cận của Nga trong tương lai đối với khu vực Trung Á. Sự can dự của Điện Kremlin tại Trung Á mang tính toàn diện hơn bất kể chủ thể nào khác và liên quan tới hàng loạt vấn đề. Trong vòng 10 năm trở lại đây, Nga đã trở lại cuộc chơi của khu vực, tuy nhiên luật chơi tại đây đã thay đổi đáng kể. Hiện nay, Điện Kremlin tập trung nhiều vào vấn đề đối trọng với các siêu cường khác tại khu vực hơn là việc khôi phục tầm ảnh hưởng đã bị suy giảm của Nga. Đồng thời, cả 5 năm quốc gia Trung Á ngày càng có quan điểm độc lập hơn trong quan hệ với các đối tác bên ngoài, kể cả với Nga.
Trong bối cảnh Ukraine rõ ràng đang dần thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga, Moscow dường như sẽ càng cần phải can dự vào Trung Á. Đây sẽ là một chiến thuật chứ không chỉ đơn thuần là mối quan hệ đối tác chiến lược như trước đây. Trên bức nền ấy, xích lại gần hơn với những quốc gia trong không gian hậu Xô viết ở khu vực địa chính trị này là một bước đi trong mục tiêu ngắn hạn và cả dài hạn của Nga.