Quan hệ giữa cung tiền và lạm phát
Trong các tình huống kinh tế bình thường, nếu cung tiền tăng nhanh hơn sản lượng thực tế sẽ gây ra lạm phát. Trong nền kinh tế khủng hoảng (gặp bẫy thanh khoản), mối tương quan "bị phá vỡ" bởi một sự suy giảm của tốc độ chu chuyển tiền tệ. Điều đó giải thích tại sao trong nền kinh tế suy thoái các Ngân hàng Trung ương có thể tăng cung tiền mà không gây lạm phát.
Tại Việt Nam, trong khoảng gần 10 năm trở lại đây (2003 -2012), tốc độ tăng cung tiền tại Việt Nam từ năm 2003 đến nay liên tục duy trì trên dưới 25% mỗi năm và tín dụng nội địa cũng tăng trên 35%. Trong khi nhập khẩu tăng đột biến trong mấy năm trở lại đây để đáp ứng với lượng cầu nội địa tăng thì đối với một số hàng hóa như khách sạn, văn phòng, điện, lao động có kỹ năng (những hàng hóa chủ yếu được sản xuất trong nước) không thể tăng tương ứng. Kết quả là giá của những hàng hóa này phải tăng theo tốc độ tăng cung tiền. Tuy nhiên, tốc độ tăng cung tiền lại không tương xứng với tốc độ tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam lại chỉ có tăng từ 7-8% trong khi đầu tư hàng năm của nền kinh tế chiếm tới 35% GDP.
Các phân tích đã chỉ ra rằng, việc tăng cung tiền trong những năm qua nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài. Tuy nhiên, khi mất cân đối giữa tốc độ tăng cung tiền và tốc độ tăng trưởng GDP lớn thì sức ép lạm phát bắt đầu xuất hiện. Ví dụ, trong hai năm 2005 và 2006, GDP của Việt Nam tăng trưởng 17% trong khi đó M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi trong ngân hàng) tăng tới 73%. Trái lại, trong cùng giai đoạn này, GDP của Trung Quốc tăng 22% trong khi M2 chỉ tăng có 36%. Tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn của Trung Quốc nhưng tốc độ tăng cung tiền lại cao gần gấp đôi.
Ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những vấn đề quan trọng trong định hướng chính sách của Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô như lạm phát cao, sự tăng trưởng cung tiền của Ngân hàng Trung ương nhằm khắc phục một phần thâm hụt ngân sách và đảm bảo các nhiệm vụ về chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô Việt Nam giai đoạn 2000 – 2012.
Trước bối cảnh này, Chính phủ đã có sự điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế phù hợp với thực tế, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát thông qua công cụ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hạn chế cung tiền ra thị trường. Đồng thời, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng ổn định, bền vững… Kết quả là, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép trong năm 2013, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP đạt mức khả quan (5,42%); lạm phát được kiềm chế ở mức 6,04%; thị trường tiền tệ lưu thông ổn định, bền vững về nhiều mặt (chính sách, lãi suất giảm cả huy động và cho vay).
Các nhân tố ảnh hưởng đến lạm phát
Thâm hụt ngân sách: Mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách và lạm phát là thông qua kênh tiền tệ và trong một số trường hợp có thể thông qua kênh cầu kéo. Ngoài ra, khi nhu cầu vốn tăng lên do tổng cầu tăng lại được tài trợ bằng vay tín dụng ngân hàng có thể sẽ làm cho lãi suất trong nền kinh tế tăng lên và do vậy rất có thể quay trở lại làm tăng giá trong nền kinh tế trong khi chi phí tài chính có ảnh hưởng lớn tới các quyết định về giá. Như vậy, trong trường hợp này, tăng thâm hụt ngân sách có thể dẫn đến tăng giá.
Cung tiền M2: Một số nhà kinh tế học cổ điển và tân cổ điển đã dùng thuyết số lượng tiền để giải thích cho những nguyên nhân gây ra lạm phát từ tiền tệ. Trong đó, bất cứ sự gia tăng nào trong cung tiền cũng làm tăng GDP danh nghĩa.
Lãi suất: Chính sách tiền tệ thông qua các công cụ của mình và qua các kênh truyền dẫn, để tác động đến mức sản lượng và giá cả trong nền kinh tế. Việc thay đổi lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương sẽ tác động đến sản lượng và giá cả theo bốn kênh chủ yếu: lãi suất thị trường, tín dụng, giá tài sản và tỷ giá.
Tỷ giá hối đoái: Tỷ giá là một trong những kênh truyền tải của chính sách tiền tệ, truyền dẫn tác động từ các công cụ đến mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ. Trong đó, quan trọng nhất là mục tiêu ổn định giá cả. Việc phá giá đồng nội tệ có thể làm gia tăng lạm phát.
Ngoài những nhân tố ở trên tác động trực tiếp đến lạm phát làm thay đổi tỷ lệ lạm phát, còn có những yếu tố khác có thể ảnh hưởng gián tiếp đến lạm phát như: chính sách mở cửa của nền kinh tế; yếu tố tâm lý, đầu cơ, găm hàng, làm giá; thu nhập của dân cư; giá cả hàng hóa trên thế giới. Những nhân tố này là một phần ảnh hưởng đến lạm phát.
Và những tác động đến nền kinh tế
Hầu hết các nước đang phát triển đều có mức lạm phát biến đổi thất thường và rất cao. Đối với Việt Nam, lạm phát giảm là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong năm 2012, 2013 và các năm tiếp theo, điều này giúp thực hiện mục tiêu quan trọng hàng đầu: Ổn định vĩ mô của nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển bền vững. Mức lạm phát năm 2012 đạt 6,81%, năm 2013 đạt 6,04% - đúng với mục tiêu đề ra (một con số).
Lạm phát là một trong những yếu tố có tác động tích cực lẫn tiêu cực với tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua nhiều kênh khác nhau với mức độ ảnh hưởng tổng thể khác nhau, phụ thuộc đáng kể vào cơ cấu thể chế (cả nhà nước và tư nhân) của nền kinh tế, phụ thuộc vào khả năng thích nghi với mức lạm phát hiện hành và khả năng dự báo lạm phát. Do đó, lạm phát vừa phải được xem là giúp tăng trưởng kinh tế thông qua khuyến khích huy động vốn và tăng tính linh hoạt tỷ giá. Tỷ lệ lạm phát thấp có thể giúp bôi trơn thị trường hàng hóa, lao động và tăng tính linh hoạt tương đối đối với giá cả.
Nếu giá cả (kể cả tiền lương và giá cả của các nhân tố khác) giảm xuống với tính linh hoạt thấp và nếu các ngành sản xuất khác nhau có mức cầu và năng suất tăng không đồng đều thì giá cả sẽ tăng nhẹ có thể tạo ra một mức độ linh hoạt giá cả cả tương đối lớn cần thiết cho sự phân bổ hiệu quả các nguồn lực. Tỷ lệ lạm phát thấp và ổn định sẽ tạo ra một trong những động lực mạnh nhất để giúp nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng ổn định.
Tuy nhiên, lạm phát xảy ra ngoài dự kiến sẽ tạo nên biến động bất thường về giá trị tiền tệ và làm sai lệch toàn bộ thước đo các quan hệ giá trị, ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế xã hội (kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế, thu nhập thực của người lao động bị giảm sút, lãi suất danh nghĩa tăng, ảnh hưởng đến tiết kiệm và đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến mức tăng trưởng kinh tế). Đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, sự biến động bất thường của lạm phát gây khó khăn cho việc xác định mức sinh lợi chính xác của các khoản đầu tư, khiến cho các nhà đầu tư ngần ngại khi tiến hành đầu tư, nhất là đầu tư vào các dự án dài hạn, làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, lạm phát cũng làm cho đời sống dân cư gặp khó khăn hơn, làm rối loạn hệ thống tiền tệ, làm xấu đi tình trạng của cán cân thanh toán quốc tế, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Như vậy, có thể thấy ngoại trừ trường hợp lạm phát vừa phải còn tác động tích cực đến nền kinh tế, các loại lạm phát còn lại đều gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của kinh tế - xã hội.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, lạm phát, tỷ giá và cung tiền có vai trò rất lớn đối với kinh tế - xã hội. Là chính sách của Chính phủ nhằm ổn định nền kinh tế bằng cách kiểm soát tỉ lệ lãi suất và nguồn cung tiền, chính sách tiền tệ chủ yếu tập trung vào ổn định tiền tệ (kiểm soát lạm phát); tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm và cân bằng cán cân thanh toán. Chính sách tiền tệ sử dụng các công cụ có tác động nhanh chóng trong việc kiểm soát lượng tiền cung ứng, từ đó tác động đến lạm phát. Tỷ giá và cung tiền là những công cụ của ngân hàng nhà nước nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Cung tiền, lạm phát và những tác động đến kinh tế vĩ mô
(Tài chính) Cung tiền và lạm phát có vai trò rất quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế của mỗi quốc gia. Trong đó, cung tiền là một trong những công cụ của Ngân hàng Nhà nước nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; còn lạm phát ảnh hưởng trực tiếp tới sức mua của người dân… Ở Việt Nam, cung tiền và lạm phát trong những năm qua luôn là hai yếu tố căn bản tác động đến hiệu quả điều hành chính sách kinh tế của đất nước.
Xem thêm